
Trên khắp mọi miền của tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ núi cao đến biển khơi xa xôi thì trong cộng đồng dân cư luôn tồn tại những mâu thuẫn và nó có thể “bùng phát” trở thành những vụ việc lớn, thậm chí là những vụ hình sự dẫn đến chết người.
Do vậy, đòi hỏi sự cần thiết của đội ngũ Hoà giải viên, họ là những người đóng vai trò quan trọng trong công tác hòa giải, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoá giải những mâu thuẫn ban đầu. Họ được ví như những con ong chăm chỉ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vận động bà con đoàn kết, phát huy tốt vai trò người có uy tín.
Trời tháng 3 hơi se lạnh, ông Ma Doãn Thức – Cán bộ Tư pháp xã Minh Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tay vẫn hơi run chở tôi bằng xe máy đến nhà ông Ma Doãn Dự, người được mệnh danh là “thủ lĩnh” tổ hòa giải thôn Nà Tơớng, xã Minh Quang.
Ông Thức đứng ngoài cửa gọi điện dứt lời rồi quay sang nói với tôi, phải chờ khoảng 30 phút nữa ông Dự mới về, vì vẫn đang dở dang giải quyết một vụ tranh chấp đất đai trên địa bàn.
Trong cuộc trò chuyện về đời và “nghề hòa giải”, ông Dự để lại cho chúng tôi ấn tượng về một người đàn ông người Tày chất phác, hào sảng. Đặc biệt, tôi ấn tượng nhất về quyển sổ dày cộp mà ông vẫn ngày đêm lưu giữ, đó là những vụ hòa giải từ năm 2013 đến nay, có vụ thành, có vụ thất bại.
Ông Dự bảo, đó là những đúc kết kinh nghiệm thực tế mà chỉ có những người làm “nghề hòa giải” mới hiểu. Cứ hễ khi rảnh, ông lại mang ra đọc, nghiên cứu, làm sao để mỗi cuộc hòa giải sau lại hiệu quả hơn lần trước.
Theo ông Dự, năm 2023, tổ hòa giải đã hòa giải thành công 5 vụ tranh chấp đất đai, đánh nhau. Năm 2024, tổ hòa giải thôn cũng hòa giải thành công 7 vụ, các vụ việc đều được các bên đồng ý ký cam kết không tiếp tục tranh chấp, vi phạm pháp luật, không có đơn thư gửi cấp trên.
Ông Dự Kể: “Nhiều vụ hòa giải đã để lại cho anh em hòa giải viên nhiều cảm xúc, chẳng hạn như năm 2024 vừa rồi, chúng tôi nhận được thông tin 2 hộ tranh chấp đất đai không tiện nhắc tên. Ngay sau đó, tổ hòa giải đã ngồi họp với nhau phân công công việc, người thì đến thực địa khảo sát, người tìm gặp các cụ có uy tín trong làng. Sau khi tìm hiểu tường tận đầu đuôi câu chuyện, chúng tôi lại ngồi họp để lên phương án hòa giải”.

Khi mời các hộ gia đình lên trụ sở thôn bắt đầu hòa giải, lúc này các hộ gay gắt với nhau, thậm chí đòi xô xát. Nhưng sau khi được can ngăn và phân tích, giải thích thì các hộ đã đồng ý cam kết phân chia ranh giới rõ ràng. Bữa trưa ngày hôm ấy, các hộ còn có ý định mời cơm tổ hòa giải, nhưng mọi người bận nên đã từ chối.
Kể chuyện về gia đình mình, bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Nà Tơớng cho biết, năm 2024 vừa qua, gia đình bà có tranh chấp đất rừng sản xuất với hộ gia đình ông Ma Văn Ngần ở cùng thôn. Sự việc lúc đó khá căng thẳng, thậm chí đến nỗi 2 gia đình còn có ý định viết đơn ra tòa.
Nhưng sau quá trình làm việc, nghe tổ hòa giải giải thích, phân tích về nguồn gốc mảnh đất, chúng tôi đã vui vẻ đồng thuận, sau đó trước sự chứng kiến của tổ hòa giải, 2 gia đình đã mang cọc bê tông ranh giới đi chôn, từ đó 2 gia đình lại vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ở thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (Hà Giang), tổ hòa giải gồm 8 thành viên: Trưởng thôn, Phó thôn, MTTQ thôn, Tổ bảo vệ an ninh, Hội phụ nữ, Thôn đội trưởng và Đoàn thanh niên thôn. Thủ lĩnh là bà Bàn Thị Luyến – Bí thư chi bộ, trưởng thôn kiêm luôn tổ trưởng.

Đại diện UBND xã Tân Trịnh khẳng định, do làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, gần 10 năm nay ở thôn Ngòi Han không có việc người dân bất mãn hoặc phải đơn thư lên xã yêu cầu giải quyết.
Chia sẻ với phóng viên, bà Bàn Thị Luyến cho hay: “Thôn có 82% là hộ người Dao, còn lại là người Nùng, nhiều năm nay 2 dân tộc thiểu số cùng gắn bó, sống hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, có khi là những hộ gia đình với nhau, khi lại chính những người trong gia đình, điển hình như chuyện của gia đình nhà bà Bàn Thị Thảo”.
Chuyện là năm 2020, gia đình bà Bàn Thị Thảo và ông Đặng Văn Đàm xảy ra cãi vã, thậm chí có xảy ra xô xát, 2 người đã đến mức ký vào giấy ly hôn chuẩn bị nộp lên tòa. Sau khi nắm được thông tin, tổ hòa giải đã tổ chức xuống gia đình nói chuyện, hòa giải, đôi vợ chồng trẻ đồng ý cam kết không cãi vã, mỗi người nhường nhìn nhau một chút. Từ đó đến nay, gia đình hạnh phúc, vừa rồi mới xây nhà lớn, con cái được ăn học đầy đủ, hạnh phúc.
Ông Ma Doãn Dự - Tổ trưởng tổ hòa giải ở Nà Tơớng kể: “Nhớ những ngày đầu tiên mới vào nghề, có hôm 2h sáng anh em gọi điện báo tin có 2 vợ chồng trong thôn nửa đêm xảy ra cãi vã, rồi đánh nhau. Tôi phải tức tốc xuống ngay hiện trường để can ngăn, khuyên giải.
Có hôm đang ăn cơm, trong thôn xảy ra việc cũng bỏ bát cơm ăn dở để xuống xem, rồi có phương án hòa giải. Vợ con ở nhà nhiều khi cũng trách, bảo tôi bỏ nghề đi, tôi mới nói nếu ai cũng bỏ thì ai sẽ làm”.
Không chỉ ông Dự, những thành viên trong tổ hòa giải cũng gặp phải không ít những khó khăn khi người nhà thấy công việc vất vả và đã không muốn cho họ tiếp tục gắn bó với công việc này. Nhưng nhờ anh em trong tổ tự động viên, tháo gỡ, con tàu “tổ hòa giải ở cơ sở” mới tiếp tục được duy trì.
Vào một ngày cuối tháng 3, sau rất nhiều cuộc hẹn trước đó, chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng với bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).
Qua cuộc trò chuyện với bà Mai, chúng tôi cảm nhận được tình cảm, niềm đam mê, trách nhiệm mà bà đã dành cho công tác mặt trận, hòa giải ở cơ sở trong suốt hơn 20 năm nay.
Theo bà Mai, từ khi nghỉ hưu ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, có thời gian dành cho công tác xã hội ở khu dân cư là bà đã tham gia vào nhiều vai trò khác nhau, khi là tổ trưởng tổ dân phố, công tác mặt trận và giờ là tổ trưởng tổ hoà giải số 19.
Bà Mai cho biết, làm công tác hòa giải ở khu dân cư là việc không hề đơn giản. Ở phường Dịch Vọng Hậu vào những năm trước, khi quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh thì cũng là lúc “làng đang lên phố”, người dân được đền bù đất, tự nhiên trong nhà có một “đống tiền” thì cuộc sống mỗi gia đình cũng bị đảo lộn hoàn toàn.
Khi cuộc sống của người dân dần được nâng cao thì cũng là lúc kéo theo phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, kiến nghị, nhất là các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai, thừa kế, ly hôn... Đây là vấn đề rất khó hòa giải, nếu hòa giải thành thì cũng mất nhiều thời gian, công sức.
Tại nơi bà Mai công tác đã xảy ra nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa anh em ruột trong vấn đề tranh chấp đất đai, đôi khi chỉ là tranh chấp phần ngõ đi chung. Với mâu thuẫn xuất phát từ lợi ích kinh tế cùng với sự khác biệt về quan điểm, tính cách và những cái tôi quá lớn, nhiều gia đình đã xảy ra việc anh chị em trong nhà cãi vã và không thống nhất được việc phân chia.
Đã rất nhiều lần tổ hoà giải gặp gỡ, động viên nhưng cũng chỉ mới giải tỏa sự căng thẳng, giảm bớt lời qua tiếng lại, còn việc giải quyết dứt điểm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vẫn còn là bài toán khó.

Bà Mai cho biết, rất hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, theo kiểu “mưa dầm thấm sâu”. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu thì mới dần dần hóa giải được mâu thuẫn.
Câu chuyện hòa giải mà bà Mai ấn tượng nhất là vụ việc từ mấy năm về trước, khi vợ chồng anh Q. và chị L. xảy ra mâu thuẫn, lục đục đòi ra toà ly hôn.
Câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp bởi một chữ “ghen”. Theo bà Mai, chị L. thường dậy sớm đi bán hàng, trong lúc ở chợ thì có người đàn ông thường hay giúp đỡ nâng hàng hoá từ trên xe xuống cho.
Sự việc đến tai người chồng, tuy không nhìn thấy trực tiếp nhưng qua các “camera chạy bằng cơm”, câu chuyện lại càng được “tam sao thất bản” khiến máu ghen trong người của anh Q. bùng phát, mâu thuẫn gia đình liên tục xảy ra trong thời gian dài, thậm chí anh Q. đã nộp đơn ra tòa đòi ly hôn.
Khi tổ hoà giải vào, lúc đầu không ai chịu hiểu cho người còn lại bởi ai cũng cho mình mới là người đúng. Bằng kinh nghiệm hòa giải nhiều năm của mình, bà Mai đã gặp trực tiếp người vợ và trò chuyện, hỏi han về công việc hằng ngày của chị thì mới biết được rằng đầu đuôi sự tình là do anh Q. “ghen” quá.
Tiếp những ngày sau đó, bà Mai tìm gặp anh Q., chia sẻ để anh Q. thấu hiểu sự khó khăn, vất vả trong công việc của vợ và khuyên anh Q. trực tiếp chia sẻ cùng vợ. Vậy là sau đó, thay vì sự hiểu nhầm và ghen tuông vô cớ, anh Q. đã đi ra chợ để đỡ hàng hoá từ trên xe xuống cho vợ, tình cảm vợ chồng cũng từ đó mà được hàn gắn.
Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, bằng những lời khuyên răn, động viên của các hòa giải viên, vợ chồng anh Q., chị L. đã làm lành và cùng nhau vun vén, xây dựng cuộc sống.
Bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy gia đình anh Q., chị L. cùng con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xây nhà cửa khang trang là các thành viên trong tổ hoà giải lại cảm thấy vui trong lòng.
“Cho dù vất vả, tốn nhiều thời gian công sức, thù lao không được bao nhiêu, có khi phải bỏ tiền túi của bản thân ra để làm nhưng mỗi lần nhìn lại thành quả tích cực của những cuộc hoà giải mà mình cùng góp sức, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục làm. Công tác hòa giải thật ý nghĩa bởi đôi khi không cần đến phiên tòa, không cần đến bản án nhưng người dân vẫn đồng thuận giải quyết triệt để vụ việc và giữ được tình cảm giữa đôi bên.
Hòa giải cơ sở không có sách nào có thể dạy mình mà chủ yếu là từ kinh nghiệm sống, là sự trải nghiệm theo năm tháng. Niềm vui sau mỗi lần hòa giải là giải quyết được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối xóm. Tôi vinh dự tự hào vì được làm công việc “người vác tù và hàng tổng”, bởi nó đem lại giá trị vô hình mà có tiền cũng không mua được”, bà Mai chia sẻ.
Bà Hoàng Thanh Mai nhận nhiều Giấy khen, bằng khen từ cấp Quận đến cấp Thành phố Hà Nội về Công dân đạt “Người tốt, việc tốt”, Gia đình văn hoá tiêu biểu. Bản thân mà Mai cũng là người có tấm lòng từ thiện khi hàng năm vẫn dành ra từ 40 đến 50 triệu để làm việc tốt, đã tài trợ cho nhiều em học sinh từ khi còn học cấp tiểu học cho đến lúc trở thành sinh viên rồi ra trường có công ăn việc làm và thu nhập cao. Nhiều em học sinh được sự giúp đỡ của bà Mai, sau khi trưởng thành, vào các dịp lễ tết vẫn thường qua nhà để thăm hỏi và gửi lời cảm ơn bà Mai. |
Cũng như bà Hoàng Thanh Mai, ông Lê Văn Tiến (Bí thư chi bộ, thành viên tổ hoà giải số 19) không nhớ đã hòa giải bao nhiêu vụ việc, tuy nhiên khi hỏi đến bất kỳ vụ nào thì những ký ức, kỷ niệm như ùa về, ông kể không thiếu một chi tiết nào, đó đơn giản là niềm đam mê, sự cống hiến của một người vì hạnh phúc mọi người.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Văn Tiến cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoà giải: “Vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý vừa đúng luật cũng rất khó, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai hay dân sự.
Do đó, khi có vụ việc, các thành viên trong tổ hòa giải phải họp lại rồi đưa ra nhiều giải pháp, sau đó mới tiến hành hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành cao”.

Cũng theo ông Tiến, đôi khi mình phải sử dụng đến những mối quan hệ vô hình và bằng lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình, theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” để đôi bên được vẹn lý, vẹn tình, thống nhất vui vẻ và đi đến xóa tan tranh chấp.
Mặc dù câu chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của những hoà giải viên cấp cơ sở trên khắp mọi miền tổ quốc còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc. Đây là kết quả thiết thực đem lại sự yên vui, giữ được tình làng, nghĩa xóm trong gia đình và tại mỗi khu dân cư; góp phần phòng ngừa, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Mời độc giả đón đọc kỳ tới: Bài 3 - Những khó khăn, hạn chế và vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Bài, ảnh: Đặng Vũ - Duy Khương - Giào Họ - Nguyễn Xinh Kỹ thuật, đồ họa: P. Họ |