
|
|
Trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình thì những mâu thuẫn, tranh chấp có thể phát sinh bất kỳ khi nào, với bất kỳ ai. Khi có mâu thuẫn xảy ra mà các bên không thể tự giải quyết với nhau, không thể thương lượng được với nhau thì việc hòa giải là rất quan trọng. Trong đó, phải kể đến công tác hòa giải cơ sở. Hòa giải cơ sở là một trình tự thủ tục pháp lý, một hoạt động có yếu tố Nhà nước, được điều chỉnh bởi pháp luật. Tuy nhiên, lại rất gần gũi, gắn bó với cộng đồng, người tham gia hòa giải cơ sở là những người có trình độ chuyên môn, có uy tín và gần gũi với các bên nên rất dễ cảm thông, chia sẻ, có thể đưa ra những gợi ý, phương hướng hòa giải hợp lý, hợp tình, dễ tìm được sự đồng thuận của các bên để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Ngày 20/6/2013, Quốc Hội chính thức thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua hơn 10 năm đưa vào áp dụng, cho đến nay, Luật Hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giải quyết được nhiều các tình huống mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ dân sự ở cơ sở, góp phần duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng, giảm thiểu những mâu thuẫn tranh chấp đến mức phải đưa tới Tòa án để giải quyết. Để hòa giải ở cơ sở thành công, không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền địa phương và đặc biệt là các hòa giải viên khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Ở đây, hoà giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. |

Được biết, Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Những hoà giải viên cấp cơ sở là những người đầu tiên, thực hiện các giải pháp đầu tiên để giải quyết tranh chấp mâu thuẫn ở cơ sở, kết quả hòa giải có thể là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành. Tuy nhiên, những hoà giải viên cấp cơ sở đã phát huy tốt vai trò của mỗi cá nhân góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn, tích cực đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Vận động nhân dân tích cực tham gia và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Trong đó, hòa giải thành đạt 85,13%, một số tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Long An (93,2%); An Giang (91,67%); Vĩnh Long (91,55%); Đà Nẵng (90,95%); Hậu Giang (90,89%); Yên Bái (90,88%); Bến Tre (90,21%)… Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 86.178 tổ hòa giải được thành lập ở thôn, tổ dân phố với 542.321 hòa giải viên. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ, thành phần tổ hòa giải có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Tổ hòa giải thường có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng ban Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…). |

Qua 10 năm thi hành, Luật Hòa giải cơ sở đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng thể hiện ở các khía cạnh sau: Góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhân dân, cải thiện nguồn lực cho công tác hoà giải cơ sở. Qua đó, giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở, là môi trường, yếu tố tác động định hướng để các bên tìm đến giải pháp giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện, có hiệu lực hiệu quả cao trong việc tự nguyện chấp hành, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn tình cảm đoàn kết trong gia đình, làng xóm, đảm bảo ổn định, trật tự xã hội. Trong Hội thảo “Đánh giá kết quả 10 năm Luật Hoà giải ở cơ sở”, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững. “Khi tiến hành hoà giải, hoà giải viên có cơ hội lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác hoà giải ở cơ sở trong giữ gìn, vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng cơ sở, khu dân cư ngày càng ấm no, yên bình, hạnh phúc”, bà Hoa cho hay. |

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hoà giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hoà giải viên để hoạt động hòa giải có hiệu quả. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hoà giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hoà giải, tổ hoà giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hoà giải, tổ hoà giải kiểu mẫu, tổ hoà giải 05 tốt… Như lời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trong Hội thảo “Đánh giá kết quả 10 năm Luật Hoà giải ở cơ sở”: Cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với địa bàn chưa làm tốt, đề nghị cơ quan Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xây dựng kế hoạch khắc phục, tạo sự chuyển biến trên thực tế; đồng thời cần nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai. "Cần vận động quần chúng, thu hút sự tham gia phối hợp thực hiện của các đoàn thể tại cơ sở, các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam,... tham gia công tác hòa giải có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do vậy, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cần tham mưu cho cấp ủy địa phương có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận và sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; trong đó quan tâm đến công tác lựa chọn, bố trí hòa giải viên và thành lập, liên tục rà soát, kiện toàn Tổ hòa giải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng cơ chế hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
|
Bài, ảnh: Đặng Vũ - Duy Khương - Giào Họ - Nguyễn Xinh Kỹ thuật, đồ họa: P. Họ |