Không ngại dấn thân vào “điểm nóng”
Nghề báo vốn là một nghề vất vả, lại càng khó khăn hơn đối với nữ phóng viên như Thùy Dương. Karaoke “núp bóng” nhà hàng là vệt phóng sự đòi hỏi sự “dấn thân” của phóng viên. Bởi lẽ đây là đề tài nhạy cảm, muốn ghi được những hình ảnh thực tế thì ekip buộc phải thâm nhập. Chúng tôi đã mất khoảng hơn 1 tháng để hoàn thành vệt bài. Không ít lần chúng tôi đã “về tay không” do ko tiếp cận được. Chưa kể, ekip gặp rất nhiều cản trở trong quá trình tác nghiệp và cả những lời hù dọa…
Phản ánh về dịch vụ karaoke đơn thuần thì sẽ chẳng có gì đáng nói. Điểm đáng chú ý của câu chuyện là: Khi các quán karaoke không đủ điều kiện hoạt động, chuyển đổi sang loại hình dịch vụ khác như nhà hàng, giải khát… thì lại hoạt động karaoke dưới lớp vỏ bọc mới… Chưa kể một số cơ sở karaoke thác loạn, có đầy đủ dịch vụ từ a đến z… Do các cơ sở này hoạt động trá hình nên tính bảo mật rất cao. Bản thân tôi đã phải hóa trang để thay đổi ngoại hình giống một cô gái “đua đòi, ăn chơi” để len lỏi vào đó.
Nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười”
Đi sớm về khuya là chuyện như “cơm bữa”. Nhất là khi làm vệt bài Karaoke núp bóng, tôi thường xuyên về nhà lúc 3,4 giờ sáng. Mắt thâm quầng vì giờ giấc sinh hoạt thất thường… Đến nỗi, bác bảo vệ của khu đô thị thấy tôi liên tục đi làm về khuya, còn hiểu lầm về nghề nghiệp. (cười).
Niềm vui là sự đón nhận của khán giả
Vất vả là vậy nhưng khi đọc những bình luận của khán giả phản hồi về các tác phẩm sau khi phát sóng, chúng tôi càng có thêm động lực để cố gắng những vệt bài tiếp sau tốt hơn. Nếu phải kể đến sự kiện xã hội nổi bật trong thời gian vừa qua, thì có lẽ vệt bài “Khủng hoảng nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà” cũng là 1 trong những tác phẩm có tác động dư luận xã hội khá lớn. May mắn khi tôi cũng là 1 trong những phóng viên được tiếp cận và thực hiện sớm nhất đề tài này thông qua đường dây nóng của VTV Digital.
Được gắn mác “Táo Y tế”
Là phóng viên các vấn đề xã hội và được phân công chuyên trách mảng y tế trên Chuyển động 24h, VTV1. Cô thường được đồng nghiệp ưu ái gắn mác “Táo y tế”. Thùy Dương chia sẻ, y tế - sức khỏe là lĩnh vực mà hầu hết ai cũng đều quan tâm nên cô luôn cố gắng tìm cách chuyển tải đến khán giả những câu chuyện thời sự một cách chân thực, dễ hiểu bởi từ ngữ chuyên ngành về y hơi “khô khan”, các câu chuyện thường theo mô tuyp chung nếu không sáng tạo sẽ rất nhàm chán.
Hành trình chinh phục giấc mơ VTV
Xuất phát từ ước mơ thời “trẻ trâu”, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã tích cực viết bài gửi đăng trên các tờ báo học đường. Được đăng, được nhuận bút… cho Thùy Dương thêm động lực để đọc nhiều, viết nhiều hơn. Cô học trò lúc bấy giờ càng nuôi dưỡng ước mơ trở thành phóng viên/ Biên tập viên truyền hình.
Trải qua nhiều năm thử thách, cô đã đạt được giấc mơ ấy, trở thành 1 mảnh ghép của mái nhà VTV. Để có được điều đó, cô dành sự biết ơn đến Ban Lãnh đạo VTV Digital.
Trân quý khi được đứng trên bục giảng
Thùy Dương – sinh năm 1992– Phóng viên/BTV Trung tâm Sản xuất và phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam. Tốt nghiệp thạc sĩ Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia HN.
Ngoài vai trò phóng viên, Thùy Dương còn là giảng viên thỉnh giảng, tham gia giảng dạy cho sinh viên báo chí tại một số trường Đại học, Cao đẳng có chuyên ngành báo chí, truyền thông.
Cô chia sẻ: “Xuất phát điểm không phải học chuyên ngành sư phạm nên khi được đứng trên giảng đường đó là một thử thách… Tôi đã đặt mình vào tâm thế là 1 cô sinh viên giống như thời điểm hơn chục năm trước để chia sẻ với các bạn… Tôi không thích sinh viên báo chí có độ “ì” nên trong các buổi học tôi luôn tạo tình huống để các bạn tương tác.… Dù vậy,với công việc này tôi nghĩ vai trò của mình vẫn chỉ là người truyền lửa thôi. Tôi trân trọng mọi cơ hội và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách”.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc các thầy cô mãi giữ được lửa nghề, tiếp tục đưa nhiều chuyến đò cập bến.
Tags: