Với hợp đồng BT, giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư còn nhiều bất cập, có thể làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
|
Trong thời gian qua, nhiều địa phương bị phát hiện vi phạm trong việc đổi đất lấy hạ tầng. |
Hiệp hội BĐS TP.HCM vừa gửi bộ Tài chính, KH&ĐT góp ý kiến dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Cụ thể, nội dung Khoản 3.b Điều 5 dự thảo:
"Giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị Dự án BT được duyệt. Trong đó, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng (=) Diện tích quỹ đất dự kiến giao nhân (x) với Giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành nhân (x) với Hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất do UBND cấp tỉnh ban hành".
Căn cứ Luật Đất đai 2013, Hiệp hội nhận thấy phương pháp tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán cho Dự án BT theo Khoản 3.b Điều 5 Dự thảo chỉ đúng trong trường hợp thửa đất thanh toán có giá trị thấp, chiếm số ít.
Trong lúc đa phần các thửa đất, khu đất thanh toán cho Dự án BT có giá trị rất cao, như sau: Điều 114 Luật Đất đai quy định "Bảng giá đất" được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất; phí; lệ phí; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính; tính tiền bồi thường cho Nhà nước; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.
HoREA cho rằng, do những bất cập trong Luật Đất đai 2013 về cơ chế hình thành "Khung giá đất","Bảng giá đất" nên trên thực tế, "Bảng giá đất" của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30-50% giá thị trường.
Do vậy, nội dung Khoản (3.b) Điều 5 Dự thảo (nêu trên) nếu được thông qua và áp dụng cho mọi thửa đất, khu đất như cách làm hiện nay để thanh toán cho Dự án BT thì có thể làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, công tác thực thi pháp luật về quy trình, thủ tục định "Giá đất cụ thể" của các dự án hiện nay còn rất nhiều bất cập, không minh bạch, tạo ra tệ "xin - cho", nhũng nhiễu, tiêu cực, "cưa đôi, cưa ba", làm thất thoát ngân sách Nhà nước, cần phải có cơ chế để kiểm soát, ngăn chặn trong quá trình xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho Dự án BT.
Từ những nghiên cứu trên và để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế cuộc sống, HoREA đề nghị hoàn thiện nội dung Khoản (3.b) Điều 5 Dự thảo, như sau:
"Giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị Dự án BT hoặc giá trị Dự án BT được thỏa thuận thanh toán theo giai đoạn được duyệt.
Trong đó, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng phương pháp xác định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật đất đai.
Trường hợp giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương phù hợp với quy định tại Khoản (2.a) Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP thì được tính bằng (=) Diện tích quỹ đất dự kiến giao nhân (x) với Giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành nhân (x) với Hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất do UBND cấp tỉnh ban hành".