Truyền thông phương Tây đang đánh giá nhiều mặt về hậu quả địa chính trị xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.
|
Hình ảnh máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ liên tục xuất hiện trên báo chí phương Tây (Ảnh: Belta.by) |
Truyền thông phương Tây cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hôm 24/11 sẽ đẩy mối quan hệ giữa Nga và NATO lên nấc thang căng thẳng mới.
Tờ Washington Post của Hoa Kỳ nhận định, vụ bắn rơi máy bay Nga là “sự leo thang lớn nhất trong cuộc xung đột tại Syria” và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ phức tạp giữa Nga và phương Tây.
Tờ báo này cho rằng, vụ va chạm trên đã làm tăng thêm lo ngại của Hoa Kỳ và các đối tác về một kịch bản đã được dự báo trước. Đó là khả năng phát sinh những xung đột tiềm ẩn giữa lực lượng không quân các nước tham chiến tại Syria.
Washington Post cũng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tại Syria, cùng với cuộc xung đột ở Ukraina, có thể là nguyên nhân dẫn đến “chiến tranh lạnh” giữa NATO và Nga.
Trong khi đó, The New York Times khẳng định, quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đóng băng, sau đòn tấn công bất ngờ của Ankara nhằm vào lực lượng không quân Nga.
Trong bài phỏng vấn với nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Verde Ozer, các phóng viên The New York Times tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ với Nga mà thiếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Và rõ rằng, trong thời điểm hiện tại, Washington không muốn tạo thêm bất cứ căng thẳng nào trong quan hệ với Nga.
|
Báo chí phương Tây nhận định, vụ bắn hạ Su-24 là sự "leo thang nghiêm trọng" trong quan hệ Nga - NATO (Ảnh: HABERTURK) |
Theo tờ The Guardian đánh giá nghiêm trọng hơn về hậu quả của sự kiện ngày 24/11 vừa qua. Việc máy bay Nga bị bắn hạ là lời cảnh báo mạnh mẽ về khả năng va chạm giữa các nước thành viên NATO và Nga khi tham gia và hoạt động quân sự ở Syria.
Tờ Telegraph gọi sự kiện trên là “thời điểm nguy hiểm nhất trong 4 năm nội chiến ở Syria”. Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa phương Tây và Nga đang xấu đi, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “một sự leo thang nghiêm trọng”.
Telegraph kêu gọi các bên “hành động thận trọng”,“ giữa hòa khí chung” và tránh kích động đẩy thế giới lâm vào một cuộc chiến tranh mới.
Hãng tin CNN cũng cho rằng, đây là “một sự leo thang nghiêm trọng” đối với tình hình khu vực và an ninh thế giới.
Sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, người ta đang tin vào khả năng Nga có thể thành lập một liên minh với Pháp và Hoa Kỳ trên mặt trận chống IS.
Vụ bắn rơi máy bay của không quân Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trong thời điểm không cần thiết, nó chỉ gây thêm căng thẳng và phức tạp cho tình hình khu vực.
Báo chí phương Tây và Nga thường diễn ra các cuộc “chiến tranh thông tin” xung quanh những sự kiện an ninh, chính trị và kinh tế khu vực và thế giới. Mới đây nhất là cuộc chiến truyền thông về cuộc xung đột tại Ukraina và nội chiến Syria.
Các cuộc “chiến tranh thông tin” giữa 2 bên là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ phức tạp giữa NATO và Nga.