Một ngày đầu tháng 7, tôi có dịp đến “Phòng khám 0 đồng” của ông Mai Văn Phấn (87 tuổi, còn gọi là ông Năm Phấn) và vợ là bà Lê Thị Dồi (81 tuổi, cùng ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Nói là phòng khám nhưng thực chất đây chỉ là 3 gian nhà được ông tận dụng để bốc thuốc nam miễn phí cho bà con nghèo. Ngôi nhà nhỏ nằm ven kênh, gần sông Hậu, với khu vườn rộng rãi và thoáng mát. Trên sân, các loại thuốc nam được phơi khô như gừa, rau mác, từ bi, đinh lăng, vông đồng... từ xa đã nghe mùi thuốc nam thoảng khắp không gian, tạo nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Dù đã 87 tuổi nhưng ông Năm Phấn vẫn tận tụy, miệt mài chữa bệnh nhân nghèo giúp người. |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Năm Phấn kể, tuổi thơ của ông từng trải qua những năm tháng khó khăn, làm đủ nghề từ nuôi vịt, chạy đồng, cày cấy, dệt chiếu, cho đến khi chuyển sang trồng cây ăn trái để cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, khi cuộc sống dường như đã ổn định, ông lại phải đối mặt với bệnh tật. May mắn thay, ông được một người cứu chữa miễn phí bằng thuốc nam. Từ đó, ông bà Năm quyết định tìm cây thuốc để giúp người.
Nhưng để làm được công việc này không dễ dàng gì. Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi bên con cháu, thì ông và bà phải học hỏi từ những thầy thuốc và tư liệu sách báo để nhận biết các loại cây thuốc. Cứ hễ nghe một ai biết về loài dược liệu quý, giúp ích cho đời là ông lại nghiên cứu, tìm tòi về nó. Cứ thế, suốt hơn 20 năm qua ông bà vẫn kiên trì với công việc thiện nguyện này.
Những khi rảnh rỗi, ông bà Năm lại tất bật với công việc sơ chế thuốc nam. |
Nhiều người bệnh vì quá nghèo tìm đến ông bà như hy vọng cuối cùng của cuộc sống. Ấy vậy mà khá nhiều người “hợp với thuốc” của ông Năm và hồi phục sức khỏe, tiếp tục cuộc sống của mình. Đã từng có người mang những gì quý nhất còn lại trong ngôi nhà đến tạ ơn nhưng ông tuyệt đối không nhận vì ông biết cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Tiếng lành đồn xa về việc bốc thuốc chữa bệnh “mát tay” cũng như đức độ của ông bà, ngày càng có nhiều người tìm đến để hốt thuốc nam miễn phí.
Trước nhu cầu khám chữa bệnh của bà con ngày càng đông nhưng số thuốc dược liệu ông lấy về từ vùng khác còn hạn chế, vào năm 2008, ông quyết định tự nhân giống các loại cây dược liệu quý như cây chó đẻ, óc chó, hà thủ ô... để trồng tại vườn nhà, giúp gia tăng nguồn dược liệu phục vụ công việc. Nhờ đó, lượng dược liệu luôn dồi dào, trung bình mỗi tháng ông bà làm được khoảng 50 bao thuốc nam. Không chỉ phát miễn phí cho nhân dân, số dược liệu trên còn được ông Năm chia sẻ, hỗ trợ một phần cho các phòng thuốc nam miễn phí ở Cần Thơ.
Bà Dồi bên sân dược liệu phục vụ cho việc cứu chữa bệnh nhân nghèo. |
Bà Nguyễn Thị Hương Sa (ngụ tỉnh Hậu Giang) cho biết, bà tìm đến ông Năm khám vì được người quen giới thiệu và chỉ đường. Gia đình nghèo nên chi phí điều trị căn bệnh mất ngủ kinh niên của bà cũng làm gia đình rơi vào kiệt quệ. May mắn, bà được ông Năm Phấn khám bệnh và bốc thuốc miễn phí nên nên gần một năm qua đã tiết kiệm kha khá chi phí, đồng thời căn bệnh đã phần nào thuyên giảm.
Không chỉ làm việc thiện mà ông bà còn là người thầy dạy, truyền nghề cho con cháu. Con gái ông, chị Mai Thị Hẹ, cho biết việc thấy cha mẹ làm công việc thiện nguyện mà vui vẻ, khỏe mạnh là nguồn động viên lớn cho các con, là bài học về tình nghĩa và đạo đức sống.
Được biết, năm 1975, ông bà Năm Phấn còn cho địa phương mượn nền đất để xây trường học bằng cây lá, giúp các em nhỏ có nơi học tập. Khi ngôi trường này được dời về nơi khác, ông bà đã biến nơi đây thành điểm chặt và phơi thuốc từ thiện. Ngôi trường tuy đã “kết thúc sứ mệnh” nhưng việc nghĩa của ông bà thì cứ lan tỏa mãi. Nhiều thế hệ học trò của ngôi trường xưa vẫn thường ghé thăm, nhắc lại tấm lòng của ông bà.
Dù tuổi đã cao, nhưng ông Năm Phấn vẫn ngày ngày cần mẫn làm thuốc chữa bệnh giúp người. |
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch UBND phường Tân Phú (quận Cái Răng), cho biết: "Chúng tôi trân quý tấm lòng của ông bà Năm Phấn. Tuy tuổi cao nhưng vẫn miệt mài làm việc thiện giúp đỡ người bệnh mà không hề than vãn. Chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện cũng như động viên tinh thần ông bà để tiếp tục nối dài sự yêu thương cộng đồng lan tỏa khắp nơi".
Câu chuyện của ông bà Năm Phấn là tấm gương sáng để chúng ta học tập, noi theo, để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mà tình thương và lòng nhân ái luôn được đề cao và lan tỏa.