Điểm gây tranh cãi lớn nhất trong phiên họp Quốc hội sáng 27/11 là việc không tử hình đối với người bị kết án tội tham nhũng khắc phục được hậu quả.
Theo nội dung được tóm tắt từ dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được thông qua vào sáng 27/11, Quốc hội chấp nhận bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, gồm: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Bên cạnh đó, bộ luật này cũng nêu rõ, nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ được miễn tội tử hình.
|
Nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ, tội phạm tham nhũng sẽ được miễn án tử hình |
Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình, Bộ luật sửa đổi quy định không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, dự thảo đã bổ sung thêm một số tội danh như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265).
Hình phạt tiền sẽ được áp dụng đối với loại tội rất nghiêm trọng, nhưng đơn thuần mang tính vụ lợi như: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội đầu cơ,...
Bên cạnh đó, Bộ Luật Hình sự sửa đổi có một điểm rất được dư luận chú ý trong bộ luật được thông qua lần này là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến đại biểu.
Kết quả cho thấy, 45,95% đại biểu tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo; 34% đại biểu đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.
Tiếp thu đa số ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo. Theo đó, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục việc bảo quản, sử dụng, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.