Câu chuyện tái cơ cấu Sacombank đang “nóng” lên từng ngày và sẽ là chủ đề chính của kỳ Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) vào ngày 28/4 tới.
|
Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền “kiểm soát” tại Sacombank? |
Theo đó, ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền “kiểm soát” tại một ngân hàng cổ phần mà Nhà nước không chi phối có tổng tài sản dẫn đầu này?
Mới đây nhất, nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group (Công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York), Redsun Capital Limited (một công ty tư vấn chuyên về M&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công đã có văn bản đề xuất tái cơ cấu Sacombank gửi đến NHNN.
Theo văn bản này, nhóm nhà đầu tư trên đã xin phép NHNN cho phép được tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng ngân hàng.
Sau khi tiếp cận các số liệu để có đánh giá chính xác, nhóm đầu tư Evercore Group - Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, chi tiết, chính xác và đề xuất một số cơ chế đặc thù từ phía NHNN và Chính phủ để tái cơ cấu đạt hiệu quả đề ra.
Cũng theo đề xuất của nhóm đầu tư, nếu được NHNN và Chính Phủ phê duyệt, nhóm trước tiên sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng. Như vậy Sacombank sẽ tiếp nhận một khoản vốn mới để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động. Đồng thời, nhóm sẽ thành lập một hội đồng xử lý nợ để tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng; kế đến là sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu...
Ngoài nhóm trên, chính bản thân Sacombank cũng đã gửi Đề án Tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập lên NHNN và năm 2017 sẽ là năm Sacombank thực hiện mạnh mẽ công tác tái cấu trúc sau khi được NHNN phê duyệt. Theo ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín trả lời báo giới cách đây không lâu “đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/CP), cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu STB hiện tại”.
Tuy nhiên, chia sẻ này của ông Kiều Hữu Dũng lại gây ra khá nhiều nghi ngờ cho giới đầu tư tài chính. Cụ thể, mức vốn hóa thị trường hiện nay của Sacombank trên sàn chứng khoán chỉ là 20.200 tỷ đồng, nếu đối tác này bỏ 1 tỷ USD thì hoàn toàn có thể “mua đứt” ngân hàng này nếu tính theo thị giá hiện tại của STB nhưng điều này là không thể vì theo luật quy định, room nước ngoài chỉ 30%.
Trong khi đó, với 1 tỷ USD đầu tư vào Sacombank (hiện tại room nước ngoài còn lại là 19,1%) thì nhà đầu tư này phải bỏ mức giá hơn 60.000 đồng/CP để sở hữu. Mức giá này là không tưởng khi thị giá STB thời điểm hiện tại chỉ xoay quanh vùng giá 10.000 - 11.400 đồng/CP.