Tính đến hiện tại, toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số 50 mô hình, với 330 tổ và trên 6.000 thành viên tham gia hoạt động, 311 điểm nhân rộng với 1.233 tổ và trên 16.700 thành viên. Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để xây dựng nhiều mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới.
![]() |
Công an xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) tổ chức sinh hoạt mô hình “Cổng ANTT thông minh”. |
Đặc biệt, nổi bật mô hình “Cổng ANTT thông minh” xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 11/2022, gồm có 01 Ban Chỉ đạo với 09 thành viên; 01 Tổ quản lý, vận hành với 05 thành viên. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung được đưa vào hoạt động.
Đến nay, có 07 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Long đã tổ chức xây dựng, lắp đặt 08 “Cổng ANTT thông minh”, đồng thời, xã Phong Thạnh Tây A cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về ANTT.
Thiếu tá Nguyễn Cao Sáu - Phó Trưởng Công an xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long chia sẻ: “Mô hình “Cổng ANTT thông minh” được nâng cấp từ mô hình “Cổng ANTT” trên địa bàn xã kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT trong thời đại ngày nay. Việc thiết kế cổng đóng, mở tự động và có thể theo dõi từ xa qua điện thoại thông minh giúp lực lượng Công an dễ dàng theo dõi, quản lý tình hình khu vực tại cổng cũng như kịp thời sử dụng biện pháp ngăn chặn nếu có phát sinh vụ việc về ANTT…”.
![]() |
Ban Chỉ đạo mô hình thường xuyên kiểm tra, vận hành “Cổng ANTT thông minh”. |
Một điển hình tiêu biểu khác là mô hình “Tổ tự quản lý hụi trong Nhân dân bằng ứng dụng zalo” tại phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai. Thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 21/4/2022, qua 02 năm hoạt động, mô hình “Tổ tự quản lý hụi trong Nhân dân bằng ứng dụng zalo” đã thể hiện hiệu quả thiết thực trong việc phòng ngừa, hạn chế hành vi lợi dụng chơi hụi để chiếm đoạt tài sản cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn.
Từ khi thành lập mô hình đến nay, đã có 65 chủ hụi tạo nhóm “zalo hụi” với gần 1.000 hụi viên tham gia. Đặc biệt, mỗi nhóm “zalo hụi” còn sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương và lực lượng Công an nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về đường dây hụi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của những người tham gia.
![]() |
Lực lượng Công an tuyên truyền pháp luật quy định về hụi. |
Trung tá Trương Minh Đương - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Từ khi mô hình “Tổ tự quản lý hụi trong Nhân dân bằng ứng dụng Zalo” ra mắt và đi vào hoạt động đến này đã phát huy được hiệu quả tích cực trong phòng ngừa tội phạm về hụi nói riêng và các hành vi vi phạm pháp luật nói chung.
Thông qua mô hình, lực lượng Công an và chính quyền địa phương có thể nắm bắt thông tin, quản lý tình hình các đường dây hụi của người dân, kịp thời phát hiện và phòng ngừa các dấu hiệu sai phạm.
Bên cạnh đó, các nhóm zalo hụi còn là phương tiện để lực lượng Công an tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác….”.
![]() |
Ra mắt Ban Chỉ đạo mô hình “Tổ quản lý hụi trong Nhân dân bằng ứng dụng Zalo”. |
Có thể khẳng định, các mô hình “Cổng ANTT thông tin” và “Tổ tự quản lý hụi bằng ứng dụng zalo” ngày càng phát huy lợi thế, hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu ngày càng hiệu quả.
Đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã nhân rộng thêm 03 mô hình “zalo hụi” tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai); thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) và thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Các mô hình này khi đi vào hoạt động đã bước đầu khẳng định hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ.