Từ nhiều năm qua, công tác phòng chống tội phạm buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Đông Bắc luôn diễn ra cam go và phức tạp, bằng nhiều thủ đoạn mới tinh vi, khó lường đã khiến cho lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, thách thức
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Tuy không “sôi động” như trước đây, nhưng ở thời điểm hiện tại giá chênh lệch từ 25 - 30% so với xăng dầu có nguồn gốc hợp pháp, vẫn làm cho tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển vùng Đông Bắc diễn ra phức tạp, đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức mới khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2016, lực lượng liên ngành đã bắt giữ hơn 1200 tấn xăng, hơn 500m3 dầu lậu các loại, liên tiếp các vụ bắt giữ xăng dầu lậu với số lượng lớn được thực hiện tại vùng biển này.
Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2016, tại khu vực biển giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng, Cụm trinh sát số 1 đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ tàu Sao Xanh 1 vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp.
Trước đó mấy ngày, tại vùng biển Hòn Ma, vịnh Hạ Long, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ tàu của Cty TNHH Điệp Dũng (Quảng Ninh) đang vận chuyển lậu 100.000 lít dầu FO và 21.000 lít dầu DO đang trên đường vào đất liền tiêu thụ.
Qua công tác điều tra và đấu tranh khai thác thông tin từ các đối tượng buôn lậu cho thấy, đối với đường dây buôn lậu với quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp thường đối tượng là những “ ông trùm” người nước ngoài cấu kết với những doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trong nước, có sự chuẩn bị đầy đủ về chứng từ, hóa đơn để hợp pháp số lượng xăng dầu lậu, hành vi giao hàng được thực hiện ngoài vùng biển quốc tế, còn việc nhận tiền được thực hiện qua các ngân hàng trong đất liền.
Lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu, một số DN sau khi đã hoàn chỉnh thủ tục hải quan nhập khẩu lô xăng dầu, trên đường vận chuyển về nhập kho thì bán luôn lô hàng vừa mới nhập, sau đó cho phương tiện quay lại địa điểm đã hẹn để nhập lô xăng dầu lậu với số lượng, chủng loại đúng với hóa đơn lô hàng nhập khẩu để che giấu sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Thậm chí, có DN mỗi lần nhập khẩu xăng dầu đều cố tình khai báo số lượng hàng rất ít (chỉ bằng 1/3 - 1/5 số lượng thực tế) để gian lận trốn thuế.
Bên cạnh những đường dây lớn, trên vùng biển Đông Bắc đang hình thành nhiều đối tượng buôn lậu xăng dầu nhỏ lẻ, chúng liên lạc với nhau bằng sim rác, sau đó giao nhận hàng ngay trên biển và không cố định địa điểm giao nhận hàng, đối tượng thường lợi dụng đêm tối hoặc những ngày thời tiết xấu để hoạt động.
Vụ bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ (Trung Quốc) ngày 31/3 tại vùng biển Bạch Long Vĩ là một điển hình cho thủ đoạn này, trên tàu có 3 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc do Đàm Thủy Dương làm thuyền trưởng.
Qua khám xét, lực lượng Biên đội 1 (Hải đội 2) phát hiện và thu giữ được hơn 100.000 lít dầu DO không có giấy tờ hợp lệ, cùng nhiều vũ khí nóng, các đối tượng khai nhận đang chờ đợi tàu của Việt Nam ra để bán lại.
Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Bùi Minh Trứ - Trưởng phòng Trinh sát, Cảnh sát biển cho biết, tình hình đáng lo ngại khi xuất hiện ngày càng nhiều tàu đánh cá trước kia hoán cải thành tàu chở dầu lậu, ngư dân trước kia bây giờ trở thành kẻ buôn lậu.
Các đối tượng đã trang bị nhiều thiết bị thông tin, liên lạc hiện đại, chúng dùng vệ tinh cách đất liền 500 hải lý đề điều khiển từ xa, thậm chí chúng theo dõi cả tàu của lực lượng tuần tra.
Bên cạnh đó, đối tượng cực kỳ manh động và được trang bị vũ khí nóng, đáp trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, hoặc chúng sẵn sàng xả hàng gây cháy nổ, hòng tiêu hủy tang vật.
Bịt lỗ hổng pháp lý
Thực tế cho thấy, tại khu vực biển Đông Bắc hiện nay mới xử lý được phần ngọn của tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, bởi những đối tượng chúng ta bắt giữ chỉ là người vận chuyển, hoặc những đối tượng buôn bán nhỏ lẻ, còn những ông “trùm” phân phối xăng dầu lậu đang ở nước ngoài và những tàu siêu trường, siêu trọng chuyên chở xăng dầu lậu cũng chỉ hoạt động trên vùng biển giáp ranh và các vùng biển quốc tế nên việc bắt giữ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, việc siết chặt thủ tục, hóa đơn nhập khẩu xăng dầu đối với đơn vị kinh doanh nhập khẩu xăng dầu trong nước là việc làm cần thiết và cấp bách.
Trước mắt, theo đề nghị của Tổng cục Hải quan cần phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 139/2013/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất chuyển khẩu theo hướng các DN nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan để kiểm soát lượng xăng dầu nhập khẩu và tiêu thụ.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để quản lý chặt chẽ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán phải có kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý để phục vụ công tác quản lý.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu xăng dầu trên biển, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, dự kiến cuối năm nay, sẽ có Thông tư liên tịch về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu xăng dầu để thay thế cho Thông tư cũ.
Cùng với đó, sẽ sớm sửa Điều 33 của Nghị định 162 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa cho phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã tăng cường một số nghiệp vụ bắt buộc của cơ quan Hải quan khi làm các thủ tục đối với DN nhập khẩu xăng dầu như: công bố công khai mọi dữ liệu về DN nhập khẩu xăng dầu trên hệ thống điện tử một cửa quốc gia về cảng biển; việc tàu chở xăng dầu nhập bắt buộc phải có hai công chức hải quan giám sát trực tiếp; lập kế hoạch tuần tra kiểm soát đối với những lô hàng xăng dầu nhập khẩu; giữa các đơn vị trong ngành phải có chế độ phối hợp, trao đổi thông tin để nắm chắc diễn biến tình hình về hoạt động kinh doanh xăng dầu, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại để xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn.
Được biết, đối với UBND các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đều đã ban hành chỉ thị, xây dựng kế hoạch gửi các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển.
Theo đó, các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác phối kết hợp trong việc tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, nhất là các khu vực cửa khẩu cảng biển, cửa sông, khu vực các phương tiện neo đậu chuyển tải hàng hóa.
Bảo đảm tính liên tục, quyết liệt, liên hoàn từ biểnbờ- nội địa, không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu xăng dầu trên biển