Cảm phục trước nghị lực sống và học tập của những nữ sinh khuyết tật trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, nhiều trường đã quyết định đặc cách tuyển thẳng các em bước vào giảng đường đại học.
Tin nên đọc
Thí sinh nên thận trọng trước những điểm mới trong xét tuyển ĐH 2016
Điểm sàn xét tuyển các khối trường ĐH Y, Dược năm 2016
Điểm sàn xét tuyển các trường quân đội vẫn giữ ở vị trí top có điểm chuẩn cao
Hướng dẫn đơn giản các bước đăng ký xét tuyển trực tuyến 2016
Nữ sinh không tay được xét tuyển vào ĐH Hồng Đức
Ngày 1/8, ông Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết, nhà trường vừa có quyết định đặc cách tuyển thẳng thí sinh Lê Thị Thắm (ngụ xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vào Khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh.
Thắm bị khuyết tật bẩm sinh nên em không có đôi tay. Trong 12 năm học, vì quá ham học nên chị Tình (mẹ của Thắm) luôn đảm nhận việc đưa cô con gái đến trường.
Hoàn cảnh gia đình Thắm lại khó khăn nên gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai người bố. Tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ đã trở thành một động lực vô cùng lớn giúp cô gái này cố gắng nhiều hơn nữa. Vì vậy trong 12 năm học, Thắm luôn cố gắng và đạt nhiều thành tích tốt.
|
Nữ sinh không tay được ĐH Hồng Đức đắc cách tuyển thẳng vào trường. Ảnh: Người Lao động |
Năm học lớp 3, Thắm đoạt giải Nhì cuộc thi vẽ tranh Hội người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Khi lên lớp 5, cô gái này lại giành giải Nhất cuộc thi viết chữ đẹp do huyện Đông Sơn tổ chức.
Đặc biệt hơn, từ năm lớp 1 đến lớp 12, em liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá giỏi và nhận nhiều giải thưởng, bằng khen và học bổng về nghị lực sống.
Không những viết chữ, vẽ tranh, Thắm còn dùng laptop khá thành thạo bằng đôi chân điêu luyện của mình.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua, Thắm đăng ký xét tuyển khối D ( với 3 môn: Toán, Văn, Anh) vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.
Và sau khi công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, với sự nỗ lực của bản thân Thắm đã đạt được số điểm là 17,83.
Trong khi đó, điểm sàn vào ngành sư phạm Tiếng anh của trường Đại học Hồng Đức năm nay chỉ là 15 điểm. Như vậy, Thắm hoàn toàn có cơ hội đỗ vào ngôi trường đại học em từng mơ ước.
Cô gái xương thủy tinh giành học bổng toàn phần ngành CNTT
Thí sinh Trần Thị Hải sinh năm 1996 tại Thạch Thất, Hà Nội tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại Cụm thi số 30 vừa qua đã khiến nhiều người không khỏi cảm phục trước nghị lực sống của em.
Hải không may mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh khiến việc di chuyển khó khăn và phải gắn liền cuộc sống với chiếc xe lăn. Dù vậy, cô gái giàu nghị lực chưa khi nào buông xuôi mà luôn nỗ lực vươn lên trên con đường học tập và ước mơ trở thành một lập trình viên trong tương lai.
|
Cô gái mắc bệnh xương thủy tinh khiến nhiều người cảm phục trước nghị lực sống của mình. Ảnh: Zing News |
Cảm phục trước ý chí nghị lực và đam mê công nghệ thông tin của Hải, Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech trao tặng suất học bổng toàn phần khóa Lập trình viên Quốc tế trị giá hơn 30 triệu đồng.
2 thí sinh khuyết tật được đặc cách xét tuyển vào PTIT
Hai cô gái may mắn trên không phải là trường hợp duy nhất được sự ưu ái đặc cách vào ĐH, trước đó, vào năm 2015 hai thí sinh bị khuyết tật là Nguyễn Minh Vân (TP.Nam Định) và Trần Văn Vinh (Thạch Thất, Hà Nội) đã được Hội đồng tuyển sinh đại học, cao đẳng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) quyết định xét đặc cách vào trường.
Đối với 2 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển, hai em đều là thí sinh khuyết tật. Trong đó, thí sinh Nguyễn Minh Vân, sinh ngày 20/10/1996, thường trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh; và em Trần Văn Vinh, sinh ngày 9/8/1995, thường trú tại Thạch Thất, Hà Nội, bị liệt hai chi dưới. Theo hồ sơ đăng ký xét tuyển, hai thí sinh đều là những học sinh có học lực khá, giỏi tại bậc học THPT. Cả hai thí sinh đều sẽ theo học ngành CNTT.