"Tôi mong gì Tết. Tôi chỉ mong có bữa cơm thật ngon, ăn no rồi nhắm mắt ngủ không bao giờ tỉnh dậy nữa".
“Giá mà như bao người khác, tôi quên hết mọi chuyện trong quá khứ đi, quên luôn việc tôi có quê ở Phú Thọ đi thì có lẽ tôi không thấy tủi phận như bây giờ. Nhưng đáng ghét là đường về quê tôi vẫn nhớ rõ mồn một. Nhưng ở quê giờ làm gì có ai trông mong tôi về. Hai em ruột xa chị từ thuở bé, gặp nhau làm gì còn tình cảm, xa lạ còn hơn cả người dưng. Tôi mong gì Tết. Tôi chỉ mong có bữa cơm thật ngon, ăn no rồi nhắm mắt ngủ không bao giờ tỉnh dậy nữa”.
Kiếp lầm than trên “con đường thum thủm” 11 giờ trưa, chợ Long Biên, Hà Nội vắng bóng dần các thương lái, chỉ còn lại những người công nhân quét rác.
Trời mùa đông, mưa phùn cùng với rác rưởi khiến chợ ngập ngụa những bùn. Từng nhát chổi nan quét rác cũng vì thế mà nặng trịch. Mùi rác bốc lên thum thủm. Không váng đầu như mùa hè nhưng cũng đủ khiến người ta phải buồn nôn.
Vòng ra phía sau chợ Long Biên, cảnh tượng cũng tương tự. Ít rác hơn nhưng con đường vẫn lầy lội, vẫn mang cái mùi thum thủm đặc trưng của chốn chợ thị. Mỗi lần đi qua con đường ấy, người ta chỉ muốn nhắm mắt nhắm mũi rồi bước đi hoặc phóng xe qua thật nhanh.
Những nhà sống ở gần đó cũng ngày đêm cửa đóng then cài. Con đường thum thủm kinh sợ là thế, ấy vậy mà lại là chốn nương thân của không ít số phận con người. Họ ăn, ngủ, sống ngay tại vỉa hè, cách mặt đường thum thủm chỉ vài chục xăng ti mét.
Chiếc giường họ nằm là tấm bạt mà người ta vẫn thường dùng để bày rau củ, bày quần áo bán ngoài chợ. Tấm chăn họ đắp là xin được, hoặc nhặt được ở thùng rác của nhà nào đó dùng chán bỏ đi.
Kể cả miếng cơm họ ăn, gói cẩn thận trong bọc nilon là họ nhặt được của người trong chợ ăn thừa. Họ cũng “sang” lắm, có cả hoa quả tráng miệng.
|
Cuộc sống quá tạm bợ, nghèo khổ nên bà Bắc và chị Phương không mong Tết đến. |
Nhưng quả cam ấy cũng được nhặt trong đám cam thối người ta vứt chỏng trơ ngoài đống rác. Lúc phóng viên đến, bà Bắc (60 tuổi, quê Bắc Kạn) và chị Phương (35 tuổi, quê Phú Thọ) vẫn còn thức.
Bên cạnh là vợ chồng ông Hùng, bà Bích (70 tuổi, quê Khoái Châu, Hưng Yên) đang co ro nằm ngủ. Ba con chó, khối tài sản lớn nhất của ông Hùng cũng lũ lượt nằm xung quanh chủ.
Chị Phương đang ăn dở “suất” cơm trưa. Suất cơm gói trong túi nilon chỉ thấy toàn cơm trắng, không thịt, không rau, không canh. Nhìn chị ăn mà giống như chị đang… nhai rơm. Khuôn mặt chị gầy gò, đen đúa. Đôi môi cũng tím lại vì lạnh, vì cả căn bệnh lao phổi đang hành hạ.
“Cơm này người ta cho. Cam này thì nhặt được ngoài đống rác. Quần áo, chăn mền cũng xin nhặt được. Tối đến tôi ngủ ngoài này. Bà Bắc vào chợ Đồng Xuân ngủ. Vợ chồng ông Hùng ngủ trong lều cây khế. Tối đến vợ chồng ông Hùng mới ngủ trong lều cho ấm, còn ban ngày ngủ ngoài này cho đỡ thối” - chị Phương chỉ tay về chiếc lều bạt phất phơ trong gió nằm đối diện bên kia con đường.
Đớn đau hai chữ “gia đình” Để kiếm sống, chị Phương đi nhặt những con tôm chết, tôm thối mà mấy người bán hàng bỏ đi rồi đem bán lại. Hôm nào may mắn chị cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Tiền đó, chị để dành mua thuốc thang khi ốm đau, bệnh tật.
Kể về cuộc đời mình, chị bất cần và chua chát: “Nhà tôi có ba chị em. Tôi là lớn nhất. Ngày chúng tôi vẫn còn rất nhỏ thì bố mẹ bỏ nhau. Sau đó bố mất vì ung thư phổi, còn mẹ thì đi lấy chồng mới. Hai em còn nhỏ quá nên vẫn sống với mẹ và người cha dượng. Còn tôi, lúc ấy 8 tuổi, đã bỏ nhà đi và lang thang xuống đến Hà Nội, sống cảnh vô gia cư đến tận bây giờ.
Cách đây không lâu tôi cũng lấy chồng rồi. Chồng tôi cũng là người vô gia cư, có quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội này. Nhưng bây giờ thì chồng và con cũng chết rồi. Mới chết năm ngoái. Chồng chết vì lao phổi. Con chết vì viêm não năm lên 2 tuổi. Mấy ngày nữa là đến giỗ đầu của chồng đây”.
Dường như để giấu nước mắt, người phụ nữ bất hạnh lôi ra một điếu thuốc lá rồi phì phèo hút. Giọng chị như càng chua chát: “Giá mà như bao người khác, tôi quên hết mọi chuyện trong quá khứ đi, tôi quên luôn việc tôi có quê ở Phú Thọ đi thì có lẽ tôi không thấy tủi phận như bây giờ.
Nhưng đáng ghét là đường về quê tôi vẫn nhớ rõ mồn một. Nhưng ở quê giờ làm gì có ai trông mong tôi về. Hai em ruột xa chị từ thuở bé, gặp nhau làm gì còn tình cảm, xa lạ còn hơn cả người dưng. Tôi mong gì Tết. Tôi chỉ mong có bữa cơm thật ngon, ăn no rồi nhắm mắt ngủ không bao giờ tỉnh dậy nữa”.
Tránh cho chị Phương xúc động, chúng tôi quay sang hỏi chuyện bà Bắc. Bà Bắc năm nay 60 tuổi, người dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn. Cũng như chị Phương, bà Bắc làm bạn với chợ Long Biên khi mới hơn 12 tuổi. Bà Bắc hay xúc động, mỗi lần có ai hỏi về gia đình, quê quán bà lại chực òa khóc.
Bà bảo: “Lâu lắm rồi tôi không về quê. Cũng chẳng biết có nhớ đường về không nữa. Vì lúc đi tôi mới có 12 tuổi. Ngày ấy, bố mẹ bỏ nhau. Mẹ đi lấy chồng mới. Bố tôi dắt tôi ra chợ rồi bỏ tôi ở đấy.
Tôi không biết đường về rồi phải thành ăn xin để sống qua ngày”. Trước đây khi còn khỏe mạnh, bà Bắc xin quét rác trong chợ. Giờ về già sức khỏe yếu, bà đành quay lại sống bằng nghề nhặt rác.
Bà cũng có hai đứa con một trai, một gái. Hai đứa đã có gia đình riêng, nhưng tuyệt nhiên không đứa nào muốn nuôi mẹ. Nhắc đến Tết, bà cũng lại bảo: “Ôi dào! Tôi chỉ mong Tết đi thật nhanh, thật xa”