Đến dự buổi gặp mặt có bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, các thầy cô giáo bám bản, bám trường trong các xã khó khăn của huyện nhiều năm qua.
Bà Ngô Thị Minh Trinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păc phát biểu. Ảnh: T.H |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết: “Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại những truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống "tôn sư, trọng đạo", để tri ân tôn vinh những thế hệ nhà giáo đã dạy dỗ, giáo dục, thắp sáng ước mơ và chắp cánh cho các thế hệ học sinh thực hiện hoài bão của mình để xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, phát triển đi lên, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính mình".
Theo bà Trinh, huyện Krông Pắc có 96 trường công lập từ bậc học Mầm non đến THPT và 06 trường mầm non tư thục với gần 48.800 học sinh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trung tâm Giáo dục nghề Giáo dục thường xuyên.
Những năm gần đây địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều tỷ đồng trong việc xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
Các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện được nhận hoa tri ân và lời chúc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: T.H |
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Krông Păc, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 68 trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học năm 1997, đạt chuẩn giáo dục Trung học cơ sở năm 2010, đạt chuẩn giáo dục đúng độ tuổi 2015, ngành giáo dục huyện nhà nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, có nhiều thầy giáo, cô giáo đóng góp rất lớn cho ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, huyện có nhiều trường sáng kiến kỹ thuật đạt giải cao, các hội thi văn hóa, văn nghệ TDTT do các cấp tổ chức đều đứng tốp đầu so với ngành giáo dục của tỉnh.
Ngoài ra, có nhiều thế hệ học sinh đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực như: Lãnh đạo các cấp, nhiều nhà chuyên môn bậc cao, văn nghệ sĩ, danh nhân doanh nghiệp giỏi.
"Chúng tôi rất mong muốn những thầy giáo, cô giáo tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, lấy giá trị bền vững tốt đẹp của nghề làm cái bất biến thiêng liêng để ứng phó với muôn vàng biến động và thử thách để dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò thời đại mới rất thông minh, giỏi giang nhưng cũng rất nhiều khác biệt..", bà Trinh cho biết.
Cô giáo H’Rim Ayun gắn bó với học sinh vùng sâu,vùng xa nhiều năm vì mong muốn các gia đình người dân tộc thiểu số tại xã Ea Kênh đưa con đến trường để học tập. Ảnh: T.H |
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, cô giáo H Rim Ayun (giáo viên Trường mẫu giáo Hoa Huệ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) chia sẻ: "Tôi gắn kết với trường gần 10 năm nay. Mặc dù nơi đây đa số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tuy nhiên, với nghề đã chọn, tôi luôn cố gắng để truyền đạt kiến thức đến người dân, các em tốt hơn"
Theo cô giáo H Rim Ayun, bản thân là người dân tộc thiểu số nên khi nhận quyết định về dạy nơi có đông người đồng bào cũng là một lợi thế.
Lúc đầu, bản thân gặp nhiều khó khăn nhưng sau đó nhờ sự quan tâm của lãnh đạo huyện Krông Pắc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nên mọi thứ dần trở nên tốt hơn.
"Tôi gắn bó với ngôi trường đang công tác gần 10 năm. Qua những năm tôi thấy được nhiều sự thay đổi, những học sinh ở buôn đi học đi học đều, mọi gia đình đều cho con đến trường.
Đây là niềm hạnh phúc rất lớn với tôi. Mặc dù, gia đình còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng được sự yêu thương của các cấp, ngành ở huyện nên mọi khó khăn đều vượt qua…", cô giáo H Rim Ayun chia sẻ.
Thầy Lê Văn Tâm (giáo viên môn Tin học -Trường THCS Ea Phê, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) đã công tác trong ngành giáo dục hơn 16 năm.
Thầy tâm bị khuyết tật nhưng vẫn cố gắng bám bản, bám trường, trau dồi kiến thức cho học sinh vùng sâu, vùng xa 10 năm qua. Ảnh: T.H |
"Ngày trước tôi công tác bên Đoàn Thanh niên, sau đó tôi được đào tạo và trở thành thầy giáo môn Tin học. Bản thân mặc dù khuyết tật ở chân, nhưng vì tình yêu thương với học trò, mái trường nên tôi đã gắn bó đến giờ…", thầy Tâm cho biết.
Thầy Tâm cho biết thêm, trường có gần 80% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình dạy gặp phải nhiều khó khăn.
"Với đôi chân khuyết tật nhưng tôi không hề bỏ cuộc, tôi muốn mang "con chữ" đến với các cháu. Vì đó là mầm non tương lai của đất nước. Những lúc khó khăn, vất vả trong quá trình dạy, tôi nhìn vào gương mặt các học sinh thân yêu để lấy động lực.
Hiện tại tôi ở trọ, vừa nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo huyện, doanh nghiệp hỗ trợ để có chỗ ở mới…tôi vô cùng xúc động. Đây có lẽ là năm kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam khiến tôi nhớ mãi", thầy Tâm rưng rưng nước mắt xúc động cho biết.
Cùng với chương trình kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, UBND huyện tổ chức Ra mắt mô hình Krông Pắc kết nối. Nhân dịp này, các doanh nghiệp huyện nhà đã trao 2 ngôi nhà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 1 trường học, 2 thư viện sách và tặng 10 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập.
Tags: