Thương hiệu NXB Tư pháp, cho dù còn tương đối trẻ, xong đã được định hình, ghi dấu ấn và ngày càng khẳng định vị thế trong làng xuất bản.
Chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Hồ Quang Huy đã đồng chủ trì đã tổ chức Toạ đàm Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản sách pháp luật của Nhà xuất bản Tư pháp.
Khẳng định Nhà xuất bản Tư pháp (NXB Tư pháp) trở thành một thương hiệu xuất bản uy tín, có sức ảnh hưởng tích cực trong đời sống văn hoá, xã hội, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp Trần Mạnh Đạt cho biết NXB đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận và tự hào.
Cụ thể, NXB đã thực hiện nghiêm túc quy định coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh. Cho dù có những giai đoạn khó khăn nhưng NXB Tư pháp tiếp tục nhận được sự cộng tác, tin tưởng của các nhà khoa học pháp lý đầu ngành, các cộng tác viên có uy tín trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, thương hiệu NXB Tư pháp, cho dù còn tương đối trẻ, xong đã được định hình, ghi dấu ấn và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong làng xuất bản.
Bên cạnh những lợi thế và kết quả đã đạt được, NXB cũng nhận thức rõ những thách thức, khó khăn trong công tác xuất bản như thương hiệu NXB Tư pháp phía Nam không được như kỳ vọng; chưa thực sự đầu tư thoả đáng trong việc xuất bản sách điện tử; sự thay đổi của văn hoá đọc… Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NXB của Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, các nhà sách tư nhân, những vướng mắc về cơ chế trích phát hành phí, nạn sách in lậu chưa được quản lý chặt chẽ đã gây khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đối với công tác phát hành của các nhà xuất bản nói chung và NXB Tư pháp nói riêng.
|
|
Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của NXB Tư pháp trong xây dựng Tủ sách pháp luật, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên bày tỏ mong muốn NXB Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Vụ và các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp trong việc rà soát, tổng hợp, xây dựng Danh mục sách, tài liệu pháp luật mới theo định kỳ 6 tháng để hướng dẫn tổ chức pháp chế các bộ, ngành trung ương, Sở Tư pháp bổ sung, cung cấp sách, tài liệu pháp luật mới cho Tủ sách pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng mong NXB tiếp tục phối hợp tham mưu, giúp Bộ Tư pháp thực hiện việc rà soát, hệ thống các sách, tài liệu pháp luật do NXB Tư pháp xuất bản, cấp phát và hiện đang còn giá trị sử dụng để phục vụ xây dựng, vận hành dữ liệu thành phần sách, tài liệu của Bộ Tư pháp trên Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; chú trọng hơn đến hoạt động xuất bản các sách pháp luật điện tử để phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân thông qua Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia…
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Toạ đàm cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản sách pháp luật như làm sao để bán được nhiều sách, đảm bảo được kinh phí để trả lương cho cán bộ, công nhân viên của NXB; phải phân loại sách pháp luật để phục vụ đúng đối tượng có nhu cầu; khâu biên tập phải chỉn chu, phải đảm bảo tôn trọng tác giả, nên có sự trao đổi thẳng thắn giữa NXB và tác giả để tìm được tiếng nói chung. Có ý kiến thì cho rằng cần có sự đầu tư của Nhà nước vào chất lượng sách, phải thu hút được những bản thảo có giá trị, chất lượng đến với NXB.
Đặc biệt, ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp kiến nghị NXB Tư pháp cần phát triển hơn nữa các đầu sách về pháp luật đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên. Ban Lãnh đạo NXB phải thực sự gương mẫu, sử dụng đúng người đúng việc, đúng trọng tâm, phát huy được tính đoàn kết nội bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cán bộ, công nhân viên chức. Liên quan đến thể chế, ông Tinh kiến nghị NXB tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến khâu xuất bản, có cơ chế chính sách linh hoạt với tác giả, đối tác kinh tế… đảm bảo đúng quy định pháp luật.
|
|
Khẳng định yếu tố mang tính quyết định là phải có tác phẩm hay, chất lượng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu bản thân NXB và tác giả phải chung sức xây dựng văn hoá đọc, mỗi năm phải in được ít nhất một đầu sách hay, được nhiều độc giả tìm mua, đón đọc. Bên cạnh đó, NXB phải chủ động hơn trong việc săn lùng sách hay, chủ động đề nghị đặt hàng với các chuyên gia, tác giả nổi tiếng để xuất bản những ấn phẩm có chất lượng; tiếp tục đa dạng hoá các tác phẩm, các đầu sách; phải xác định, phân loại thị trường phù hợp với từng đầu sách.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị NXB phát huy lợi thế to lớn là một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tận dụng nguồn nhân lực là các chuyên gia, nhà khoa học; phải phát triển năng động hơn trong các hoạt động của NXB; chú trọng xây dựng đội ngũ tác giả, CTV; tập trung mạnh cho đội ngũ BTV. Đặc biệt, phải chú trọng đến các hoạt động CNTT như có kênh phát hành trực tuyến, xây dựng tủ sách điện tử, giao lưu với bạn đọc qua các kênh trực tuyến…