Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt tác phẩm "Mơ về phía chân trời" do nhà văn xứ Quảng Lê Trâm dành tặng cho các độc giả nhí cả nước.
Cuối tháng 7/2017, độc giả từng yêu sách tủ sách Văn học tuổi hoa của Nhà xuất bản Kim Đồng có cơ hội được đọc tác phẩm mới "Mơ về phía chân trời" do nhà văn Lê Trâm là người đặt bút viết.
Nhà văn Lê Trâm sinh năm 1956, từ vùng đất nhiều sản vật bậc nhất đất Quảng Nam là huyện Quế Sơn. Bởi thế, áng văn của nhà văn Lê Trâm trong tác phẩm "Mơ về phía chân trời" vẽ nên vùng quê hương trù phú, xanh tươi với dòng sông thơ mộng, những lùm tre Lung Bà dài tít tắt cuối tận chân trời...
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt tác phẩm "Mơ về phía chân trời" do nhà văn xứ Quảng Lê Trâm dành tặng cho các độc giả nhí cả nước. Truyện mở đầu với hình ảnh ngôi làng nhỏ đầy bí ẩn: "Làng Đồng nhỏ bé trải dài theo triền sông Hà Ly, lọt thỏm giữa um tùm tre và tre. Con đường đất quanh co, lượn từ bờ đê Cá Voi đến lùm tre Lung Bà cuối làng, nương theo những rặng tre dọc bờ sông rợp mát quanh năm. Cứ cách ba bốn nhà lại có một bến mở ra sông - nơi vui chơi của tụi trẻ con chúng tôi mỗi chiều. Với tôi, ít nhất làng có tới bốn điều bí ẩn".
|
Một tác phẩm văn học dành cho độc giả nhí vừa ra mắt. |
"Ấy là lùm tre Lung Bà rậm và tối, suốt ngày inh ỏi tiếng chim. Tịnh không một bóng người. Đứa nào lỡ dại để trâu lạc vào đấy chỉ còn nước chờ người lớn dắt giùm ra thôi. Tiếng chim vô cùng quyến rũ khiến chúng tôi mê mẩn, thèm lắm nhưng chỉ còn biết ngước mắt đứng trông từ xa.
Đứa nào cũng ao ước một lần vào đấy nhưng sợ quá nên vẫn chỉ là ao ước viển vông. Phía sau cánh đồng là Gò Trời với tầng tầng lùm bụi lẫn nhãn và dứa dại. Ở đấy có miếu Thần Nông và cây sộp nổi tiếng nhiều ma. Sừng sững giữa gò là cây thị già khú đế đến mùa trái chín thơm cả mấy làng...”, bức tranh đồng quê hiện ra đầy đẹp đẽ, bàng bạc trước mắt người đọc.
Ở đó, có những người bạn như Ri, thằng Đực, thằng Tửng, cu Lỳ, bé Su… với những trò chơi của trẻ thơ, khám phá những điều bí ẩn quanh làng và mơ ước được đến những chân trời xa.
Nhân vật chính cũng là người kể chuyện là cu Ri (tên đi học là Tú) sống tại Làng Đồng - một vùng quê nằm dọc triền sông Hà Ly "lọt thỏm giữa um tùm tre và tre". Cu Ri cùng tụi bạn: Tửng, Đực, Lỳ, Nhỏ, Rin, Tuấn... trải qua tuổi thơ êm đẹp, hạnh phúc nơi cánh đồng làng quê.
Mọi thứ trong mắt lũ nhỏ đều thơ mộng và cũng đầy đáng sợ. Bờ đê Cá Voi đến lùm tre Lung Bà, cánh đồng Gò Trời là nơi quen thuộc, nhưng đầy bí hiểm trong mắt tụi nhỏ.
|
Câu chuyện xoay quanh ông Nhiều, bé Su với người kể truyện là cu Ri. |
Đặc biệt, trong mắt tụi nhỏ xóm Làng Đồng, căn nhà của lão Nhiều nằm tại bãi Liều hẻo lánh, khiến tụi nhỏ e dè, sợ hãi nhất. Lão nhiều là "dân ngụ cư" trong làng, nhà luôn biệt lập, kín bưng, cùng chú chó Vện dữ tợn trông cửa.
Tuy nhiên, cu Ri và lũ bạn lại mê mẩn vườn cây trái lúc nào cũng chĩu quả. Đặc biệt, con bé Su (con gái ông Nhiều) có đôi mắt to, làn da trắng hồng, xinh đẹp - tạo ra sự đối lập người cha khắc khổ, đầy đe dọa đối với lũ trẻ.
Dù thâm tâm muốn làm quen với bé Su, cu Ri phải chờ một bước ngoặt để phá vỡ sự e dè, cách biệt đó. Trong trận chiến với lũ nhỏ Gò Trời, cu Ri và đồng bọn thúc thủ rồi bỏ chạy khỏi "chiến trường". Không may dẫm phải gai tre, cu Ri lạc vào nhà của của bé Su lúc nào không hay.
Từ cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, cu Ri bắt đầu quen với bé Su và cũng hiểu dần về ông Nhiều. Nỗi sợ của tụi nhỏ gần như tan biến sau khi ông Nhiều trở thành "ân nhân" dùng thuyền đưa tụi nhỏ qua sông Hà Ly, sau khi cả lũ ham chơi đến khi gặp mưa lớn trên đường từ trường về nhà...
|
Trận đánh để thua lũ trẻ Gò Trời giúp cu Ri quen với bé Su và hiểu hơn về cha con ông Nhiều. |
Sau khi liên tiếp để thua tụi nhỏ Gò Trời táo tợn cho trâu xuống gặp lúa trong đồng, cu Ri và lũ bạn Làng Đồng quyết tâm có nhiều đạn bời lời để "ứng chiến". Tuy nhiên, cu Ri phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo của bé Su - là phải có được ổ chim dột từ Lung Bà đem về, mới chịu giúp cu Ri tiếp cận hàng bời lời mà chú cho Vện canh giữ.
Gác đi nỗi sợ về cánh rừng tre Lung Bà ghê gớm, đáng sợ trong tâm thức, cu Ri và đồng bọn phát hiện ra vẻ đẹp của rừng tre, nơi hàng trăm loài chim đủ sắc màu, tiếng hót, tạo nên khung cảnh vô cùng tráng lệ trước mắt tụi nhỏ...
Hoàn thành yêu cầu của bé Su, lũ trẻ Làng Đồng chiến thắng oanh liệt trong trận đánh với lũ trẻ Gò Trời. Tuy nhiên, biến cố lớn xảy ra khi ông Nhiều bất ngờ bị địch bắt vì "đi làm cách mạng". Từ thái độ ngờ vực, e dè người đàn ông ấy, cả Làng Đồng chuyển qua khâm phục với lão Nhiều.
|
Lối văn mộc mạc, vừa kể vừa tả của nhà văn dẫn người đọc trở về quá khứ tuổi thơ có trong mỗi người đọc, về với những trò chơi dân gian ở làng quê một thời xa vắng... |
Cũng từ đó, cu Ri thay đổi nhận thức khi nhận ra thế giới xung quanh vô cùng rộng lớn, không chỉ có Làng Đồng, Gò Trời mà thôi: "Tự dưng tôi ao ước mình sẽ được đi đến tận chân trời ấy". Đó là chân trời "khác lạ vô cùng phong phú trong trí tưởng tượng non nớt của chúng tôi. Đứa nào cũng ao ước lớn nhanh để đi về phía ấy cho biết"...
Nói về tác phẩm, nhà phê bình Nguyễn Mậu Hùng Kiệt chia sẻ: "Mơ về phía chân trời có một không gian mở. Bắt đầu bằng ngôi nhà đầu Bãi Liều đến Lung Bà, Gò Trời và mở rộng dần về phía chân trời. Đó là nơi "mở ra những chân trời khác lạ, vô cùng phong phú trong trí tưởng tượng non nớt" của những những nhân vật trong truyện. Một không gian gần gũi, thân quen bởi nó là căn nhà, mảnh vườn, rặng tre, cánh đồng, gò bãi... Và đó cũng là không gian quyến rũ, bí hiểm, gợi tò mò về những giấc mơ tuyệt diệu...".