So với các tỉnh nằm trong lưu vực giữa hai sông Tiền và Hậu Giang, Gò Công xưa là tỉnh nhỏ, đất hẹp, nhiều phèn và nước mặn, mỗi năm chỉ làm ruộng có một mùa. Tuy nhiên theo nhiều ông già bà cả kể lại đó là một thế đất quý, một thế đất “Long đầu phượng y” (đầu rồng, đuôi phượng).
|
Một căn nhà ở Gò Công xưa. |
Ở đây người ta thường truyền tụng hai câu ca dao: “Đầu rộng đuôi phụng le the/ Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con”.
Thực vậy, ít có nơi nào trên đất nước có nhiều địa danh “long phụng” như vùng Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre. Nào là Cồn Rồng (cù lao Rồng) trước chợ cũ Mỹ Tho, Cồn Phụng (nơi hành hương của ông Đạo Dừa). Theo thuyết phong thuỷ đã cắt nghĩa vị trí địa lý đắc lợi của tỉnh Gò Công như sau:
“Đất Gò Công sở dĩ sản sinh nhiều bậc công hầu khanh tướng (Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, bà Từ Dũ Thái hậu, bà Đinh Thị Hạnh, thứ phi của vua Thiệu Trị…) thì phía Nam Gò Công là nơi tiếp giáp với Mỹ Tho, Bến Tre có Vàm Rồng ở làng Vĩnh Hựu, rạch Long Uông ở xã Tăng Hoà, rạch Long Trọng trên có cầu Ngang.
Rạch này làm ranh giới giữa hai làng Thạnh Nhựt (Gò Công) và Hoà Bình (Chợ Gạo). Hồi trước có nạn xét giấy thuế thân, hễ khi hương chức làng xét, dân nghèo trốn qua làng Hoà Bình, còn phía Mỹ Tho xét thì đàn ông trốn qua làng Thạnh Nhựt như trò chơi cút bắt.
Chỗ rạch Long Tượng, nối từ Thạnh Nhựt ăn ra Tiền Giang, được gọi là “đầu Rồng”, theo kiểu “long đầu hí thuỷ”. Còn đuôi rồng nằm về phía Bắc. Vùng phía Bắc tỉnh lỵ Gò Công, có địa danh “vườn Phụng” do ông Thôn Cửu lập ra giữa thế kỷ 19, với Gò Lân ở làng Sơn Quy. Thế đất đó gồm đủ “Long Lân Quy Phụng” tức “tứ linh,” nên làng nào nằm trong cuộc đất “tứ linh”, sẽ vượng phát phú quý”.
Nói về người giàu xưa ở đây, theo nhà văn Hồ Trường An: “Người giàu nhứt tỉnh Gò Công là “Bà Tư Nói”, tên trong khai sinh là Lâm Tố Liên. Thuở hàn vi, cô Tố Liên bán trầu cau tại chợ Gò Công hồi Tây mới qua. Cô Thiên không chồng con. Cô góp nhóp tiền mua một mẫu ruộng. Sau đó, lần hồi cô mua may bán đắt, lại có huê lợi của mẫu ruộng, nên cô sắm thêm ruộng.
Công cuộc làm ăn càng lúc càng thịnh vượng, cô bỏ nghề bán trầu cau, mở tiệm bán tơ lụa nho nhỏ. Vào tuổi ngũ tuần, Lâm Tố Liên có lợi tức 400 mẫu ruộng tốt, giàu bực nhì ở Gò Công, ăn đứt ông Phủ Huỳnh Đình Khiêm (Phủ hàm) ở Đồng Sơn, ông Cai tổng kiêm Hội đồng Nguyễn Văn Hạc, ông Huyện Quái, ông Phủ Hải, ông Hội đồng Đinh Nhựt Chu…
Khi lớn tuổi, cô Lâm Tố Liên được dân Gò Công kêu bang “Bà Tư Nói”. Tiệm của bà bán đủ thứ lãnh: Lãnh Bưởi ngoài Bắc, lãnh Nam Vang, lãnh Tân Châu, lãnh Thượng Hải (lãnh trơn, lãnh bông). Ngoài ra, bà còn bán những hàng lụa sản xuất trong nước như lụa Hà Đông ở ngoài Bắc, lụa Duy Xuyên ở Quảng Nam, lụa Tân Châu, cùng các loại cẩm nhung, cẩm vân, cẩm tự, cẩm trước, cẩm cuốn, cẩm quệt, cẩm kim… (cẩm là loại hàng lụa, còn gọi là “gấm”).
Cẩm nhung có nhiều loại màu, đem ra ánh sáng mặt trời thì thấy có vạch sáng rờn rợn. Cẩm vân, màu trắng, màu vàng, là hàng dệt nền khô bông mướt hình cụm mây. Cẩm tự màu đen nền ướt bông khô, dệt hình chữ thọ, Cẩm trước màu đen hay trắng, nền ướt bông khô, dệt hình lá trúc. Cẩm cuốn dệt bông hình quyển sách cuốn tròn, có buộc nơ.
|
Một góc chợ Gò Công xưa |
Cẩm quyệt dệt bông hình trái quýt có đeo hai chiếc lá. Cẩm kim dệt hình mũi kim nhỏ, thuộc loại nền khô bông ướt. Lại còn cẩm sen loại nền khô bông ướt, dệt hình bông sen. Nếu kêu cho đúng nghĩa phải gọi cẩm quýt là “cẩm quất”, cẩm kim là “cẩm châm”,“cẩm sen” là “cẩm liên”, cẩm cuốn là “cẩm thư” để tránh tiếng Hán ghép vào tiếng Nôm.
Về sau, bà Tư Nói nhờ một ông thầu khoán ở chợ Gò Công gọi là ông Tư Bảy, cất cho bà một cái nhà ba căn hai chái, nền cẩn đá da quy (giống như vảy rùa), nền cao tới ngực, mái lợp ngói lưu ly. Để có thứ ngói này, ông thầu khoán Tư Bảy phải đặt mua tại Lái Thiêu. Ngói lưu ly là ngói móc (có người gọi là ngói vảy cá, vì có cái móc để cày vào sườn nhà khi lợp giống như lớp vảy cá, hoặc vảy rồng được tráng men bóng lộn.
Ông Tư Bảy mua ngói lưu ly tráng men vàng và ngói lưu ly tráng men lục để lợp nhà bà Tư Nói. Ngói vàng, dưới ánh mặt trời, thì có màu men chậu xứ Giang Tây. Vào mùa gặt lúa vào giữa tháng Chạp tới giữa tháng Giêng, mỗi ngày hàng chục chiếc xe bò chớ lúa tới lẫm (vựa lúa) của bà Tư Nói để đong lúa cho bà.
Tuy có nhà đẹp, nhưng bà Tư Nói thích ở căn tiệm bán lãnh lụp xụp của mình, còn ngôi nhà nguy nga tráng lệ của bà, dành cho gia đình bà Bảy em em gái của bà. Khi bà qua đời, bà Bảy em (chớ không phải Em) làm cái nhà mồ cho bà. Ngôi nhà mồ nguy nga đồ sộ không thua phủ thờ”.
Người giàu thứ hai là ông Tri phủ Huỳnh Đình Khiêm ở làng Đồng Sơn. Đất Đồng Sơn thuộc vùng có mùa nước mặn lẫn mùa nước ngọt, nên có thể lập vườn. Lập vườn có huê lợi bán quanh năm, còn làm ruộng chỉ được một mùa lúa. Dân Gò Công ở vùng Tân Niên Đông, Tân Niên Tây, Kiểng Phước vì gần biển, nên có nước ngọt khi có mưa, nên khó lập vườn.
Họ chỉ làm ruộng được vào đầu mùa mưa. Ông Phủ Khiêm nhờ có ruộng lẫn vườn nên mau chóng giàu có. Ông là ông ngoại của luật sư Nguyễn Hữu Châu, nguyên Bộ trưởng chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Châu chính là rể của luật sư Trần Văn Chương, chồng trước của bà Trần Lệ Chi, là anh em cột chèo với ông Ngô Đình Nhu.
Người thuộc hàng dân dã, nhưng giàu không kém ở Gò Công là ông Hội đồng Nguyễn Văn Hạc (tên một loài chim). Ông có một người con gái đầu lòng, tên là cô Hai Én. Mấy người em trai của cô Hai Én đều có tên thuộc loài chim ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Đó là cậu Ba Nhạn, cậu Tư Quắc, cậu Năm Sắt, cậu Sáu Sẻ, Bảy Chích và Tám Diệc. Cô Hai Én kết hôn với quan thầy thuốc, tức bác sĩ Nguyễn Như Ánh. Cô có mở một tiệm may thiệt lớn ngoài chợ Gò Công.
Cậu Ba Nhạn mua chức hương hào, một chức nhỏ trong ban hương chức hội tề. Về sau, Năm Sắt lên Sài Gòn, làm phóng viên nhiếp ảnh cho nhật báo Thần Chung. Ông ta giỏi phong cầm, được quái kiệt Trần Văn Trạch mời trình diễn phong cầm (accordéon) trong các buổi phụ diễn tân nhạc cho hai rạp hát bóng Văn Cầm (Chợ Quán) và rạp Nam Việt (Chợ Cũ).
Ngoài ra, trong tỉnh Gò Công cũng còn nhiều nhà giàu xưa, kẻ ở phía Bắc tỉnh lỵ, người ở phía Nam như ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm, ông huyện Hiền, ông Hội đồng Nguyễn Minh Chiếu (có tên đường ở Phú Nhuận).
Nhà giàu lớp trước nữa, thuộc thế kỷ 19, được người đời nhắc tới là ông Mai Tấn Huệ, một cự phú đã khai thác nhiều sở ruộng, lập vườn, xây đập ngăn nước mặn tràn vào ruộng. Nghe đâu hồi trước ông làm quan võ dưới triều Nguyễn tới chức Chưởng cơ, nên dân chúng nhớ ơn gọi chỗ đó là “đập ông Chưởng”.
Xin nói về nguồn lợi kinh tế trầu cau ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này để độc giả thấy sự quan trọng của nó trong các thứ huê lợi của miền Nam. Người đời nay khó hình dung được nhu cầu của trầu, cau, thuốc hút, thuốc xỉa hồi trước quan trọng thế nào trong đời sống. Thế hệ sinh ra và lớn lên từ cuối thế kỷ 20 có thể không biết gì về tập quán xã giao hồi trước “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhiều bà già xưa thường nhắc câu “ăn cơm không đặng, ăn trầu giải khuây”. Trai gái gặp nhau mời trầu. Khách tới nhà, việc đầu tiên là mời ăn trầu, bất luận đàn bà hay đàn ông. Hồi đó, hễ ra đường người ta luôn luôn có gói trầu, bịch đựng thuốc đem theo như vậy bất ly thân. Những bà nhà giàu xưa, mỗi lần đi đâu có tôi tớ bưng ô trầu đi theo. Chẳng những ở Gò Công mà còn nhiều nơi tại Nam Kỳ như Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long… nguồn lợi về trầu cau chiếm hàng đầu, theo tài liệu địa phương chí Nam Kỳ in năm 1903. Hồi trước, ông bà ta ít ăn trái cây như cam, quít, dừa, chuối nhưng bắt buộc phải ăn trầu luôn miệng. Nói theo tiếng bình dân “miếng này chưa hạ nông, tới miếng kia động quan”. Điều đó cũng chứng tỏ rằng nghề bán trầu cau đem lại một món lợi lớn cho nhiều người để khởi đầu sự nghiệp làm giàu. |