Một năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc chỉ đạo, quan tâm cũng như việc cân đối cấp ngân sách nhiều hơn đến tay đối tượng chính sách...
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sau khi Chỉ thị 40-CT/TW ra đời, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã chủ động quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra Kế hoạch số 463 ngày 30/7/2015 về việc triển khai Chỉ thị số 29. Sau khi có kế hoạch triển khai, nhận được sự ủng hộ của nhiều sở, ngành, địa phương trong việc chủ động thực hiện.
|
Bà Đậu Thị Loan với con trâu được mua từ vốn chính sách xã hội chương trình cho vay hộ nghèo đang chuẩn bị sinh sản. |
Trong đó, Sở Tài chính đã chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung hàng năm tối thiểu 8 tỷ đồng để ủy thác cho NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngoài ra, xem xét khả năng cân đối ngân sách, tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động thuận lợi, ổn định, bền vững để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn hàng năm tổ chức điều tra, rà soát định kỳ, rà soát bổ sung đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đúng quy định để có căn cứ thực hiện chính sách tín dụng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBMTTQ các cấp phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với các tổ chức thành viên và NHCSXH trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến với các tầng lớp nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân…, bổ sung vào nguồn vốn cho ngân hàng.
Những chuyển biến rõ rệt
NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tham mưu ban hành quy chế tạo lập, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH. Tăng cường mối quan hệ với các ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn công tác giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Bằng chứng rõ rệt nhất là nhiều đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Ví dụ, chị Phạm Thị Thúy (trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) chồng mất sớm với đàn con nhỏ nheo nhóc, được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn gặp gỡ động viên và tạo điều kiện giúp chị vay vốn nuôi bò.
Đến nay, chị đã trả được nợ gốc, bò đã sinh sản được nhiều lứa và chị còn tích cóp được tiền sửa lại căn nhà dột nát. Hay như trang trại nuôi dê của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (cùng xã Nam Sơn) nay đã phát triển được đàn dê 30 con từ vốn vay 30 triệu chương trình cho vay hộ nghèo.
Còn bà Đậu Thị Loan (trú tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được vay vốn số tiền 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, bà mua một con trâu, số còn lại đầu tư vào nuôi gà. Đến nay, trâu đã bắt đầu sinh sản và đàn gà đang sinh trưởng rất tốt.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc NHCSXH Nghệ An - cho biết, hiệu quả bước đầu của việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã thấy được rõ rệt.
Trước đây, các nguồn vốn đều chuyển sang ngân hàng, đến nay các sở, ban ngành đều vào cuộc và quan tâm sát sao hơn. Một điểm mới trong Chỉ thị 40 là trong thành phần Ban đại diện tại các chi nhánh huyện đều có Chủ tịch xã, gắn trách nhiệm việc triển khai kế hoạch, đốc thúc và kiểm tra.
“Trước đây, mọi người đều hiểu rằng việc cho vay, thu nợ, tiền lãi suất… là nhiệm vụ của ngân hàng, nhưng nay là nhiệm vụ và trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương cùng chung tay để hoạt động tín dụng có hiệu quả hơn – ông Vinh cho biết - cũng từ việc triển khai Chỉ thị 40, được sự quan tâm của các cấp, ngành, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh từ 4 tỷ đồng tăng lên 8 tỷ đồng, tại huyện đều có nguồn vốn bổ sung từ ngân sách huyện, từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm”.
NHCSXH tỉnh Nghệ An đang tiếp tục tham mưu và báo cáo với UBND tỉnh triển khai các kế hoạch tiếp theo trong việc thực hiện Chỉ thị 40, nhằm tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động tính dụng chính sách, đồng thời phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.