Tình trạng sách lậu được buôn bán tràn lan trên thị trường không còn xa lạ với những người đang sinh sống và học tập tại Thủ đô trong nhiều năm qua.
"Mô hình" sách lậu đang được "nhân rộng"?
Phố Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Láng... được biết đến là những "cứ điểm" sách lậu nổi tiếng tại Thủ đô, là điểm đến của các bạn học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu mua sách giá "bèo".
Những năm trước, trên phố Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ mới xuất hiện một vài cửa hàng sách lậu khu vực gần trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dạo một vòng qua khu vực phố Phạm Văn Đồng giao Trần Quốc Hoàn có thể thấy được những cửa hàng sách mọc lên san sát nhau với những bảng hiệu chào mời hấp dẫn như: “sách giảm giá đặc biệt”, “đại hạ giá”, “sách giảm giá”… Tại đây, sách lậu được bày bán tràn lan từ trong hiệu sách ra tận vỉa hè với nhiều chùng loại phong phú, bắt mắt.
Phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng không chịu kém cạnh, từ đầu phố đến cuối phố, các cửa hàng nối đuôi nhau mọc san sát. Thậm chí một số người còn tự ý chiếm dụng cả mặt bằng vỉa hè để bày bán sách đủ mọi chủng loại.
"Tiền nào của ấy"
Khi được hỏi về nguồn gốc, chiết khấu của một số loại sách, một nhân viên cửa hàng sách ở đây biện bạch: “Sách của cửa hàng em được nhập từ nhiều nhà in khác nhau, với những cuốn sách có giấy đẹp, không lỗi, cửa hàng em giảm dao động từ 30-40%, còn những cuốn sách có chất lượng giấy chưa tốt, chúng em giảm giá đến 50%”.
Vào "check" thử giá cả một số cuốn sách tại Nhà sách T.T ở đường Láng, PV không khỏi ngỡ ngàng: Cuốn “Đại Việt sử kí Toàn thư” giá bìa là 198.000đ nhưng bán ra chỉ với giá 115.000đ. Giáo trình “Kế toán tài chính” giá bìa là 125.000đ bán ra với giá 75.000đ. Tiểu thuyết "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Tuổi thơ dữ dội"… có giá bìa là 110.000đ, nhưng chỉ bán với giá 65.000đ.
Bạn Bùi Thu Hương, sinh viên trường Đại Học sư phạm Hà Nội cho biết: "Tôi hay tìm mua sách ở các cửa hàng trên phố Đinh Lễ. Sách ở đây được bày bán rất phong phú, dễ lựa chọn mà giá thì lại rất mềm. Để tìm cho bản thân một cuốn sách hợp lí là điều không khó, trên thực tế tôi cũng chưa phân biệt được đâu là sách lậu, đâu là sách thật, chỉ biết rằng đến đây mua sách giá rẻ hơn so với các nơi".
Tâm lý chúng ta thường ham của rẻ, bản thân sách lại là một loại hàng hóa đặc biệt, giá trị của nó nằm ở thông tin mà nó chứa đựng. Vì thế nhiều người cho rằng: chất lượng giấy kém đi một chút cũng không sao, thông tin trên đó vẫn thế mà giá lại rẻ hơn nhiều, tội gì mà không mua. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Về mặt nội dung thì sách lậu không khác gì so với sách thật. Tuy nhiên do việc sao chụp, in ấn không đạt chất lượng nên sách thường để lại rất nhiều lỗi sai sót. Sai sót nguy hiểm nhất là các loại sách địa lí, đặc biệt là vấn đề về biển đảo.
Những cuốn sách địa lí nói về biển đảo chỉ cần sai một vài chi tiết nhỏ, dù chỉ rất nhỏ như một vài cái chấm trên bản đồ, nhưng đó là một hòn đảo, biên giới chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải…
|
Sách lậu vẫn được bày bán tràn lan |
Lỗ hổng pháp lý
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Trợ lý Tổng giám đốc, Phó ban thường trực, Ban Chống in lậu Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết: "Trang thiết bị in ngày càng hiện đại, giúp NXB in ngày càng nhanh và đẹp nhưng cũng từ đó mà giúp cho các đối tượng in lậu ngày càng dễ dàng, với hàng vạn bản sách lậu chỉ cần in trong một đêm là xong.
Ban đêm theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2013, điều 129 “Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm”, cứ vậy chỉ tới mờ sáng ngày hôm sau, chờ sản phẩm vừa in tới nơi đóng xén, xoá sạch hiện trường, lúc này không cơ quan chức năng nào có thể kiểm tra được. Nếu có bị phát hiện thì theo Nghị định 159 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, chỉ phải nộp vài chục triệu là xong.
Các cơ quan chức năng muốn kiểm tra một cơ sở kinh doanh có sản xuất sách lậu hay không, thì theo quy định, có thể áp dụng hai biện pháp: Kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Kiểm tra theo kế hoạch tức là phải lên kế hoạch trước hàng tuần, trình các cấp… nghĩa là mọi thông tin này có thể bị lộ và dĩ nhiên sách lậu dễ dàng hô biến. Còn muốn kiểm tra đột xuất thì lại phải “có căn cứ”, mà chưa kiểm tra lấy đau ra căn cứ, chưa kể là không được kiểm tra nơi ở và rất có thể sách lậu sẽ được cất giữ trong phòng ngủ.
Khung hình phạt còn quá nhẹ
Hiện nay, khi phát hiện sách lậu, các cơ quan chức năng thường xử phạt theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Điều 27 Nghị định này quy định hình phạt tối đa chỉ là 30 triệu đồng cho hành vi buôn bán sách lậu.
Những chủ kinh doanh sách lậu lớn lời lãi bạc tỷ, nhưng mức phạt chỉ có 30 triệu đồng. Điều 24 về hành vi in lậu cũng chỉ dừng ở khung phạt là 40 triệu đồng. với cách xử phạt nhẹ như thế này chẳng khác nào dung túng cho hành vi in lậu và buôn bán lậu. Và có thể nói đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho sách lâu, sách giả tràn lan như hiện nay.