“Muốn giữ mạng sống, tử tù về tội tham ô, hối lộ ngoài việc nộp lại tiền thì còn phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”- Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Sau khi Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 được thông qua, ngày 27/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự này.
Theo đó, kể từ ngày BLHS 2015 được công bố, đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 thì không thi hành và được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Liên quan đến Nghị quyết này, mới đây, TAND Tối cao đã chỉ đạo các tòa án địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp những trường hợp đủ điều kiện, báo cáo về TAND Tối cao để trình chánh án TAND Tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, dư luận bày tỏ lo lắng rằng, nếu kịp thời khắc phục cơ bản thiệt hại đã gây ra cho Nhà nước thì nhiều đại quan tham như Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc ALC II), Huỳnh Thị huyền Như (nguyên quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank TPHCM) hay Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và những quan tham khác bị kết án tử về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đang chờ thi hành án sẽ được ân giảm xuống tù chung thân.
Dư luận cũng băn khoăn rằng, với tình trạng tham nhũng phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay thì việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng là rất cần thiết. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này có phần không phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với quan chức tham nhũng và đại gia tham nhũng...
Để rộng đường dư luận, phóng viên PhapluatPlus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư chính pháp - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội về vấn đề này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn, tại điểm c khoản 3 Điều 40 của BLHS 2015 quy định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân đối với người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
“Thực tế, việc chủ động khắc phục cơ bản hậu quả thiệt hại gây ra chỉ là một trong hai điều kiện để tội phạm tham nhũng thoát án tử”. – Luật sư Cường nhấn mạnh.
Muốn giữ mạng sống, tử tù về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ còn phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Điều này không phải là mới trong nền tố tụng trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì hiện tại mới đang dần cải tiến, đổi mới theo hướng phát triển này.
Mục đích chính của quy định này là nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Mặt khác, quy định này không chỉ cho phép người bị kết án có cơ hội giữ lại mạng sống mà còn giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí do hành vi phạm tội của người phạm tội gây nên trước đó.
Về nguyên tắc pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, không áp dụng hồi tố (áp dụng trở về trước của sự kiện pháp lý), tuy nhiên sẽ áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Vì vậy, một số trường hợp bị cáo đã bị tuyên án, bản án đã có hiệu lực pháp luật đang chờ thi hành sẽ có cơ hội được áp dụng quy định mới của Bộ luật hình sự để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
"Tôi cho rằng, hai việc thu hồi tài sản do tham nhũng và trừng trị tội phạm tham nhũng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”- Luật sư Cường khẳng định.
Luật pháp áp dụng các quy định cụ thể để thu hồi tài sản của Nhà nước, của nhân dân, còn kẻ tham nhũng thì vẫn phải cần được trừng trị. Mục đích của hình phạt không chỉ để trừng phạt mà còn là để giáo dục, cải tạo con người.