Với những chiến sĩ trực SSCĐ nơi biên cương, hải đảo, đoàn tụ bên gia đình nghĩa là dấu chân tuần tra thầm lặng trên biển, trên đường biên, cột mốc.
Xuân Kỷ Hợi là lúc mọi người quây quần bên gia đình, người thân để đón năm mới; còn đối với những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo cũng vậy, chỉ khác một điều, gia đình của họ là đường biên, cột mốc, là sự hy sinh thầm lặng, những dấu chân tuần tra trên tuyến biên giới để bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người; bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Mùa Xuân với người lính có lẽ đẹp nhất... khi đất nước được bình yên!
|
Ảnh minh họa. |
Xuân “gác rừng, gác núi”
Mùa xuân là mùa của sự đoàn tụ, sum họp thế nhưng những người lính Biên phòng (BĐBP), niềm hạnh phúc riêng của họ là thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, cùng đồng đội giữ gìn bình yên nơi tiền tuyến. Mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang làm nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc luôn tâm niệm: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự ở khu vực biên giới, thì phải xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện, xây dựng được “trận địa lòng dân”; do vậy, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, theo đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.
Dù vậy, Tết của BĐBP vẫn có những hương vị, sắc màu riêng của từng năm. Mỗi khi Tết đến xuân về, Đồn Biên phòng (ĐBP) lại trở thành “mái nhà chung” ấm cúng. Ngoài thời gian tuần tra, canh gác, cán bộ, chiến sĩ lại cùng nhau chăm chút từng hàng cây cảnh, sơn phết lại những mảng tường, cắt ráp những câu chúc, những bảng chữ đón chào năm mới, và đặc biệt không thể thiếu việc trang hoàng lại bàn thờ Bác Hồ…
Những ngày giáp Tết, các chiến sĩ háo hức chuẩn bị thịt heo, gà, nấu bánh chưng... trang trí cành đào, cây quất, hay có nơi lại là một cành hoa mận. Tết được cùng đồng đội tự tay trang trí đơn vị, chuẩn bị mâm cỗ mừng năm mới không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, dù xa gia đình nhưng vẫn thật đầm ấm.Đêm 30 Tết hằng năm, các đơn vị biên phòng đều rộn ràng trong không khí vui tươi; mỗi chiến sĩ góp vui bằng những lời ca, tiếng đàn, kể chuyện hay thể hiện những tài lẻ của mình để giao lưu với đồng đội, với nhân dân. Những chương trình văn nghệ đậm chất “cây nhà lá vườn”, những trò chơi tập thể dù cho là năm nào cũng có đấy nhưng dường như năm nào cũng vẫn nguyên vẹn niềm vui, ngập tràn hương xuân.
“Xa nhà vào thời khắc giao thừa, có ai không khỏi trào dâng bao cảm xúc khó tả, dù vậy, các chiến sĩ vẫn tự động viên bản thân, động viên lẫn nhau “gói ghém” bao nỗi nhớ nhà, xung phong ở lại trực Tết. Đối với tôi cũng như những chiến sĩ khác, gia đình chính là hậu phương vững chắc để bản thân yên tâm công tác”, Trung úy Nguyễn Quốc Dương, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Pô Tô, ĐBP Huổi Luông (tỉnh Lai Châu) chia sẻ.
Niềm hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản với bao người nhưng lại ngập tràn cảm xúc đối với người lính đó là khi được cùng với gia đình đếm khoảnh khắc kết thúc của năm cũ trên màn hình chiếc điện thoại; cũng có những chiến sĩ may mắn hơn khi được đón Tết cùng vợ con tại đơn vị.
Trung úy Hoàng Vũ Thế, Đội trưởng trinh sát, ĐBP Ka Lăng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu kề lại câu chuyện mà chính anh cũng cảm thấy kỳ diệu. Đêm giao thừa năm ngoái, vợ anh là chị Nguyễn Thị Xuân dù đang mang bầu vẫn vượt bao đường xa khó khăn đến ăn tất niên cùng chồng. Tại khoảnh khắc giao thời ấy, chị Xuân hạ sinh đứa trẻ, do quân y trong đơn vị trực tiếp đỡ đẻ. “Lúc ấy tôi thực sự vỡ òa trong sự bất ngờ và xúc động. Em bé được mang tên của chính ĐBP như một lời gửi gắm tình cảm cho người con của lính biên phòng”, anh chia sẻ. Đó có lẽ là một kỷ niệm mà có lẽ không chỉ người chiến sĩ này, mà những người chiến sĩ khác dù có mặt ở tại nơi đó hay được nghe kể lại sẽ cảm thấy lâng lâng một sự đồng cảm sâu sắc.
|
Với người chiến sĩ, đồng bào nơi đơn vị đóng quân chính là “gia đình” thứ hai. |
Mùa xuân của BĐBP cũng thật ý nghĩa khi được chính quyền địa phương cùng nhân dân quan tâm, đến chúc Tết, kèm theo những món quà đậm hương vị tết. Chính tình cảm của nhân dân giúp mỗi chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, an tâm thực hiện nhiệm vụ; cái Tết dù đơn sơ nhưng ấm nồng tình đồng chí, tình quân dân. Đối với người chiến sĩ, đồng bào nơi đơn vị đóng quân cũng chính là “gia đình” thứ hai vậy.
Tuy vậy, thời khắc giao thoa giữa năm cũ năm mới cũng là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, “vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ”, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn luôn trong tình thần thường trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) để phòng, chống, đấu tranh với những âm mưu thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại hình tội phạm nguy hiểm, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, buôn lậu, buôn bán phụ nữ trẻ em, vận chuyển, buôn bán tiền giả, chất nổ, chất cháy,... qua lại biên giới. Bảo vệ biên giới của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao cho BĐBP làm lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý.
Đặc biệt, tại một số địa bàn như vùng biên giới Tây Nam, bao gồm cả vùng biển đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến cũ, là một trong những địa điểm nhạy cảm, dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá, lại là nơi có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đời sống của nhiều đồng bào còn khó khăn, dân trí thấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, địa hình hiểm trở, giao thông kém thuận tiện.Ngoài nhiệm vụ đảm bảo cho đồng bào biên giới được đón xuân ấm no, bình yêu, các đơn vị biên phòng nơi đây còn đảm đương nhiệm vụ hết sức nặng nề là phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện công tác phân giới cắm mốc, phối hợp điều tra khảo sát tình hình, thực trạng đường biên, cột mốc biên giới; tổ chức vận động nhân dân tham gia phát quang hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.
Có lẽ ít ai biết, giao thừa nào cũng vậy, trong khi người dân đang vui đón xuân thì những chiến sĩ BĐBP vẫn đang âm thầm làm nhiệm vụ để “canh gác” niềm vui ấy được trọn vẹn.
Xuân “gác trời, canh biển”
Nếu nói nơi biên cương đầy rẫy hiểm nguy, vất vả thì giữa trùng khơi cũng nhiều gian nan, khó khăn không kém. Vì thế, sẽ không thể đầy đủ nếu không nhắc tới những anh bộ đội làm nhiệm vụ ngoài hải đảo, cũng luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, an ninh biên giới vùng trời, vùng biển, đảo.
Đối với những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đảo Đông Bắc Tổ quốc, thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ luôn tràn đầy cảm xúc, gắn liền với những trách nhiệm cao cả. “Cả nước có Trường sa, Quân khu 3 có đảo Trần”, đảo Trần là điểm đóng quân xa nhất và là nơi được coi là khó khăn nhất.
|
Không khí đón Tết ở đảo Trần. |
Trung sĩ Nguyễn Văn Minh, Khẩu đội trưởng - Trung đội 12,7 - Tiểu đoàn đảo Trần, cho biết: “Tết đến, ai cũng muốn về quây quần cùng gia đình, nhưng còn với những người ở lại làm nhiệm vụ, trực SSCĐ, đón “Tết nhà binh” trên đảo, cũng là một kỷ niệm đẹp, dấu ấn khó phai trong cuộc đời quân ngũ. Cùng với việc duy trì nghiêm chế độ trực chiến, đảm bảo 100% quân số 24/7 tại trận địa, các chiến sĩ vẫn không quên nhiệm vụ tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong những ngày Tết, cũng như bước vào năm huấn luyện mới".
|
Những trò chơi đầu năm. |
|
"Tết nhà binh cũng có cái vui riêng". |
Thời điểm đầu năm, thời tiết giá rét, gió biển thổi ù ù, nhưng không khí luyện tập của các chiến sĩ vẫn diễn ra sôi động, khẩn trương. Tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra các tình huống phức tạp,chính vì vậy, bên cạnh không khí khẩn trương chuẩn bị đón Tết, cán bộ, chiến sĩ vẫn không quên nhiệm vụ SSCĐ,tổ chức luyện tập các phương án, sẵn sàng xử trí mọi tình huống xảy ra, bảo đảm cho đất nước đón một mùa xuân mới chọn vẹn và bình yên.
“Được thấy mọi người, mọi nhà được quây quần, yên vui trong ngày tết cũng là niềm vui chung của người chiến sĩ. Tôi nhận ra, xuân của người lính không chỉ có tình thương ở hậu phương mà còn gắn trách nhiệm người lính đối với Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho biển trời quê hương, đất nước. Đây là niềm vinh dự trong cuộc đời quân ngũ, cũng là trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc”, đó là chia sẻ của Trung sĩ Bùi Văn Tỉnh - Chiến sĩ Báo vụ - Trung đội Thông tin - Tiểu đoàn đảo Trần.“Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm” nhưng vẫn không làm chùn bước chân tuần tra của những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242.
Với tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”, các chiến sĩ vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến dấu, giữ vững chủ quyền an ninh trên biển, với tinh thần “không ngại khó ngại khổ, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chấp nhận thiếu vắng những giây phút đoàn viên ấm áp bên người thân.
Đó là không đơn giản chỉ là nhiệm vụ, nó còn là tình cảm, trách nhiệm đối với Tổ quốc thiêng liêng, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, danh hiệu mà nhân dân đã tin tưởng trao tặng.Tin tưởng rằng, những người lính Lữ đoàn 242 nói riêng và trên mọi miền Tổ quốc nói chung sẽ luôn chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo để đất nước mãi mãi có những mùa xuân bình yên, hạnh phúc.