Những người mang số mệnh không may
Từ xưa đến nay, trong xã hội chuyện người giàu kẻ nghèo là khó tránh khỏi.
Những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống với nhiều nguyên nhân và ở nhiều hình thức.
Có người thiếu thốn vật chất, có người bệnh tật ốm đau triền miên, có những đứa trẻ thì thiếu cha, mất mẹ hoặc đâu đó vẫn còn những cụ già cô quạnh một góc nhà neo đơn.
Họ đều có những nỗi đau mà chỉ họ đang phải chịu đựng hoặc may mắn đã vượt qua mới thật sự thấu hiểu.
Trong một lần đi công tác ở một làng quê nghèo, tôi bắt gặp một gia đình nhỏ với ba đứa con nhỏ với nét mặt ngây thơ, đáng yêu nhưng ánh mắt vẫn đầy sự ưu buồn.
Qua câu chuyện, tôi mới biết gia đình họ có hoàn cảnh thật éo le. Người vợ đau ốm liên miên, tất cả gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của người chồng.
Bằng tình yêu của người chồng, người cha, dẫu ai mướn, ai thuê gì anh đều làm.
Quần quật bất tận ngày đêm, anh vẫn không đủ sức để lo cho vợ con một cuộc sống tạm gọi là ổn định.
Thấy nhiều thanh niên trong làng đi xuất khẩu lao động, sau một thời gian, những gia đình đó dần trở nên khấm khá, không phải lo ăn từng bữa.
Thấy đó là lối thoát duy nhất, hai vợ chồng quyết định vay mượn 200 triệu đồng để anh xuất khẩu lao động. Mang trong lòng khát khao đổi đời, người chồng hy vọng rằng công việc ở nơi đất khách sẽ giúp anh trả nợ và mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình.
Thời gian đầu, anh làm việc không quản ngày đêm, cố gắng dành dụm từng đồng gửi về quê, trả được một nửa khoản nợ.
Nhưng rồi, số phận lại một lần nghiệt ngã với gia đình bé nhỏ này.
Những cơn đau bắt đầu xuất hiện dày vò anh ngày đêm.
Anh âm thầm chịu đựng, mua thuốc giảm đau uống qua ngày, không dám nói với vợ con vì sợ họ lo lắng.
Đến một ngày, cơn đau trở nên dữ dội.
Anh gục ngã ngay tại nơi làm việc. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ kết luận anh bị ung thư giai đoạn cuối.
Tin này như sét đánh ngang tai người vợ nơi quê nhà.
Thương chồng xa xứ bôn ba kiếm tiền, nghĩ mình bệnh tật không những không giúp ích được gia đình mà còn là gánh nặng cho chồng cho con.
Người vợ chỉ biết đau xót nhìn đàn con thơ và nghĩ tới người chồng nơi xứ khách đất người mà lòng đau nhói.
Nỗi đau như đến tận cùng, khi chồng chị mất, trong nhà không không có nổi dăm triệu, chị gõ cửa từng nhà, vay mượn khắp nơi chỉ mong góp được đủ số tiền đưa chồng về quê nhà an nghỉ.
Nhưng trước gia cảnh của chị, ai nấy đều lắc đầu vì gia đình chị vẫn còn nợ cũ chưa trả hết.
Giữa nỗi tuyệt vọng, chị chỉ biết khóc trong bất lực, trong đau đớn.
Cũng trong một đợt thiện nguyện sau cơn bão số 3, tôi được một trường hợp cầu xin sự giúp đỡ của cộng đồng.
Theo chia sẻ cô con gái chú T, thì chú T bị bệnh thận, phải chạy thận hơn 10 năm nay.
Cả gia đình chú bám trên nẻo đất đê Nguyễn Khoái ven bờ sông Hồng làm nơi cư trú.
Tiếng là ở Hà Nội, nhưng cả gia đình vẫn luôn phải lo ăn từng bữa, bởi lao động chính là chú T đã không còn sức lao động.
Bệnh suy thận hoành hành, rồi cùng với đó là những lần vào viện chữa trị nên kinh tế gia đình chú T coi như bằng không.
Cái nghèo, cái bệnh bám theo, nên nhiều năm nay cả gia đình chú T như ngọn nến trước gió.
Và cơn bão Yagi ập đến, nước sông Hồng lên cao, cả căn nhà bắn tôn tạm cùng toàn bộ đồ đạc trong gia đình bị cuốn trôi.
Hoang mang trước nhiều biến cố, chị Hằng, con gái chú T chỉ biết đi cầu xin cộng đồng mạng, các nhà cứu trợ cấp gạo, cấp một chút tiền để gia đình có cái “dắt lưng” vượt qua cơn bão.
Xây dựng, giữ gìn nét sống đẹp ngàn xưa
Có lẽ, những người mang số mệnh không may họ không chỉ sợ cái nghèo hay bệnh tật, mà điều họ sợ nhất là sự vô tâm của lòng người.
Nếu mỗi người biết yêu thương, san sẻ một chút, thì có lẽ sẽ bớt đi những hoàn cảnh như gia đình ấy.
Nhưng tiếc thay, trong xã hội, không phải ai cũng sẵn lòng mở rộng trái tim để đồng cảm và sẻ chia.
Trong quan niệm sống của người xưa, tình cảm tương thân tương ái là một đặc điểm nổi bật.
Bên cạnh những câu tục ngữ ca dao như "Thương người như thể thương thân", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương", câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" là bài học để nhân dân ta thường nhắc nhở nhau về đạo đức làm người, phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Báo PLVN luôn là đơn vị luôn sẵn sàng trợ giúp những hoàn cảnh éo le, khó khăn. |
Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác, vẫn có những người sống ích kỉ và chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân.
Một bộ phận không nhỏ người Việt nhiễm thói xa hoa, lãng phí, coi trọng sự hào nhoáng bên ngoài, không tiếc tiền để đánh bóng hình ảnh, thỏa mãn tính sĩ diện, thậm chí là sự hợm hĩnh.
Có những người tiêu xài hàng trăm triệu đồng cho một bữa tiệc, một buổi vui chơi ở quán bar hay nhà hàng sang trọng.
Họ thoải mái tận hưởng mà không hề động lòng trước những hoàn cảnh éo le, không hề nghĩ đến việc chia sẻ một phần nhỏ để giúp đỡ những người bất hạnh.
Những lối sống như vậy cần bị lên án và phê phán, bởi chúng là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của con người mất đi ý nghĩa và trở nên lạnh lẽo.
Hạnh phúc thật sự không nằm ở những bữa tiệc xa hoa, mà ở sự ấm áp khi ta biết yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Hãy nghĩ đến điều đó, trước khi tiêu xài vô nghĩa cho những phù phiếm thoáng qua.
Tags: