Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Trước tiên, tôi muốn chúng ta phải nhận thức xem “Thế nào là anh hùng?” Hai tiêu chuẩn của anh hùng mà nhất là anh hùng trong chống Pháp và chống Mỹ là: phẩm chất anh hùng và hành động anh hùng. Đối với anh hùng Phùng Văn Khầu, là một trong 16 anh hùng được phong tặng đợt đầu trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Các anh hùng trong chiến dịch này là tiêu biểu của các anh hùng trong các cuộc kháng chiến và cả của thế hệ sau này. Những anh hùng đó luôn là tấm gương sáng cho đến khi về bên kia thế giới. Như anh hùng Phùng Văn Khầu cũng rất tiêu biểu, từng nhiều lần được gặp Bác Hồ. Cụ Khầu xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động, mồ côi sớm nên không được học hành, cho nên vấn đề về văn hóa hay tất cả mọi thứ chưa đủ trình độ để tiếp nhận những binh khí kỹ thuật thời kỳ đánh Điện Biên Phủ chúng ta được các nước anh em viện trợ như Liên Xô, Trung Quốc... Anh hùng Phùng Văn Khầu đã làm chủ được vũ khí khoa học kỹ thuật khi lần đầu được tiếp cận, tôi cho rằng điều đó đã thể hiện bản chất anh hùng của cụ. Với lớp chiến sĩ thế hệ anh Phùng Văn Khầu chưa được huấn luyện nhiều, chưa tiếp cận nhiều với khoa học kỹ thuật, việc ngắm bắn phải tính toán và đòi hỏi sự chính xác rất cao, vậy mà vẫn làm chủ được khẩu đội pháo, bắn trúng mục tiêu, phải thấy rằng cụ rất giỏi.
Nhà Văn Phùng Văn Khai:Tôi đã phỏng vấn nhiều chiến sĩ Điện Biên trong chuyến đi Điện Biên vừa rồi, các cụ đều chia sẻ rằng, nếu không đánh chắc tiến chắc, không kéo pháo vào, kéo pháo ra thì chúng ta rất khó có lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, bộ đội sẽ hy sinh rất lớn ở Điện Biên. Trong quá trình đánh Điện Biên Phủ khốc liệt đến mức, viên chỉ huy Pháo binh Charles Piroth đã phải tự sát bằng lựu đạn vì không làm được theo đúng như lời hứa. Vậy tôi muốn hỏi ông là, với khả năng linh hoạt và làm chủ chiến trường ở Điện Biên như vậy, ta rút ra được bài học lịch sử nào để sau này góp phần để Quân đội ta trưởng thành?
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Bây giờ tôi sẽ nói về vấn đề Pháo binh và anh hùng Phùng Văn Khầu trước. Quan trong nhất của kỹ thuật Pháo binh là xác định phần tử bắn, điểm chuẩn rất quan trong. Lá cờ chuẩn là một trong những bộ phim nói về Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ban ngày, quân ta cắm cờ chuẩn làm mục tiêu để pháo ta xác định bắn, nhưng ban đêm mới đánh thật, đánh Điện Biên Phủ phần lớn là đánh đêm, trinh sát Pháo binh đều vào tận nơi những điểm bắn pháo, nhận diện điểm chuẩn, xác định phần tử bắn bằng cách ba lần bật lửa (nháy rồi tắt ngay), đến lần thứ ba các trinh sát phải xác định được điểm bắn. Trong chiến đấu thì cần linh hoạt, không phải tất cả theo hướng nhắm bắn ấy, mà anh hùng Phùng Văn Khầu sau khi xác định được phần tử bắn, ông không ngắm để tính toán theo phần tử bắn, mà ứng dụng sáng tạo ngắm qua nòng pháo để bắn, bắn phát nào là trúng lô cốt địch phát đấy, tiêu diệt được rất nhiều sinh lực địch ( Các nhà thiết kế và chế tạo ra loại vũ khí này có lẽ cũng chưa từng tính đến). Trận mở đầu Chiến dịch đánh vào cứ điểm Him Lam, 20 quả pháo đầu tiên, chỉ có 2 quả chưa chính xác để hiệu chỉnh súng, 18 quả còn lại đều trúng mục tiêu, trong đó có quả chui vào đồn địch xuyên qua hầm ngầm và tiêu diệt luôn chỉ huy của chúng. Bản chất anh hùng Phùng Văn Khầu là ngắm bắn phải tiêu diệt được mục tiêu. Cụ Khầu đã suy nghĩ rằng: Đã được Đảng và Nhà nước giác ngộ, những vũ khí hiện có của quân ta rất quý, mỗi quả đạn giá trị bằng một gia đình trung nông ăn trong ba tháng - tôi thấy đấy chính là bản chất của người anh hùng. Chỉ có chiến sĩ Việt Nam, anh Bộ đội Cụ Hồ khi bắn mới nghĩ đến những quả pháo này là xương máu, thóc gạo của bộ đội, của nhân dân. Bản chất anh hùng Phùng Văn Khầu từ người nông dân trở thành chiến sĩ và trở thành chiến sĩ Điện Biên Phủ và là chiến sĩ Pháo binh cho đến lúc được phong tặng anh hùng là như thế, vừa có phẩm chất và vừa có hành động anh hùng. Chỉ huy Pháo binh Pilos quân Pháp sau hai ngày tác chiến đã bất lực không làm được gì để khống chế Pháo binh của quân ta và đã quyết định tự sát.
Một trong những nhân tố quyết định chiến thắng của ta chính là hỏa lực Pháo binh, làm cho địch bất ngờ, không kịp trở tay, khóa mõm tất cả các trận địa pháo của địch. Địch không thể biết ta bố trí pháo ở đâu. Bởi với tình hình địch đã bố trí thêm quân, xây dựng công địa vững chắc cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc, kéo pháo vào lại kéo pháo ra, củng cố trận địa mới tiếp tục kéo pháo vào. Các pháo bẳn thẳng cơ động theo đường hào trục bám sát Bộ binh tiếp cận gần nhất bắn thẳng vào lô cốt và các hỏa điểm của địch. Đó là một trong những hình thái nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, có tiếng vang lớn trên thế giới. Không có phương pháp, tài liệu nào, kiến thức nào trên chiến trường đối phó được.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Thưa Thiếu tướng, khi trở về với đời thường, anh hùng Phùng Văn Khầu vẫn phát huy được phẩm chất anh hùng của mình trong công tác tổ dân phố, trong dạy học thêm miễn phí và đặc biệt là đấu tranh chống tham nhũng tại địa phương, từ những năm 1990, cụ Khầu đã trở thành tấm gương chống tiêu cực và đã có nhiều bài báo viết rất sâu sắc về việc làm của cụ. Thiếu tướng đánh giá thế nào về người anh hùng giữ được phẩm chất đến hơi thở cuối cùng ?
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Anh hùng Phùng Văn Khầu cũng tiêu biểu như anh hùng La Văn Cầu, trong trận Đông Khê đã chặt tay, nén đau để tiếp tục chiến đấu. Không những là hành động anh hùng trong kháng chiến mà còn là trách nhiệm với đồng chí đồng đội trong thời kỳ sau này. Cái mà các cụ hy sinh nhiều nhất, mà ít người biết đến đó là sau khi hòa bình thống nhất rồi, trở về với cuộc sống đời thường, thì cuộc sống của các cụ luôn rất khó khăn. Anh hùng Phùng Văn Khầu, tướng Nguyễn Chuông... đều rất khó khăn trong cuộc sống. Nhưng không bao giờ các cụ biểu hiện sa sút phẩm chất người anh hùng, không bao giờ kêu ca phàn nàn hay oán trách bất cứ điều gì mà đều cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Có những lúc gia đình đồng chí Phùng Văn Khầu - là một cán bộ Đại tá cao cấp nhưng rất khó khăn, nhưng không bao giờ chùn bước hay phàn nàn mà chỉ xác định vươn lên, tự lực cánh sinh trong cuộc sống. Đó chính là đức hy sinh, phẩm chất của người anh hùng.
Với thế hệ chúng ta hiện nay, đất nước phát triển, đời sống phát triển, các chế độ chính sách cũng phát triển so với thời cụ Khầu, đất nước vẫn còn khó khăn, nên sự quan tâm hay các chính sách đối với các anh hùng không đáng kể. Các cụ đã phấn đấu, trước hết là để thắng mình, thể hiện đúng phẩm chất anh hùng trong cả chiến đấu và đời thường. Tôi thấy rằng, anh hùng Phùng Văn Khầu và các anh hùng trong thời kháng chiến chống Pháp đã giữ được những phẩm chất đó và làm tấm gương sáng ngời cho bộ đội ta và cho các thế hệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Vâng! Trân trọng cảm ơn anh!