Người chưa có gia đình "vô tình" cặp bồ, chung sống với người đang có gia đình thì liệu có bị pháp luật xử lý về hành vi "Vi phạm chế độ một vợ một chồng" hay không; liệu có được coi là vô can trong "tội" ngoại tình hay không... là thắc mắc của nhiều bạn đọc.
 |
Ngoại tình có thể dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để lại những hậu quả nghiêm trọng. |
"Tôi làm công nhân ở Hà Nội, đang thuê nhà sống chung với bạn trai. Tuần trước, tôi tình cờ phát hiện ra "một nửa" của mình đang có vợ con ở quê nên rất sốc. Thật tình, khi yêu nhau tôi vẫn đinh ninh bạn trai cũng độc thân như mình, chứ không điều tra, tìm hiểu xem anh ta có vợ chưa. Giờ đây tôi rất lo lắng, bất an vì mình là kẻ thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, tôi lo sợ bị pháp luật xử lý... " (Bạn đọc Ng.T.H ở Sóc Sơn, Hà Nội).
Vấn đề bạn hỏi, tại khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình bị pháp luật nghiêm cấm như sau: "Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác/ hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ."
Như vậy, dù cố ý hay vô tình thì hành vi bạn chung sống với người đang có vợ cũng đang vi phạm pháp luật về hôn nhân - gia đình và bị pháp luật nghiêm cấm. Tuỳ theo tính chất của hành vi, hoặc mức độ nghiêm trọng của sự việc, người vi phạm có thể bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoại tình bị pháp luật nghiêm cấm
Theo khoản 1, Điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Hiện tại, Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật liên quan chưa có định nghĩa cụ thể về ngoại tình. Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày, ngoại tình thường được hiểu là hành vi của một người đang có gia đình nhưng phát sinh tình cảm hoặc quan hệ ngoài luồng với người khác.
Tại khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Căn cứ vào khoản 3.1, mục 3, Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”.
Qua đó có thể thấy, chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc một vợ một chồng và nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc ngược lại.
Tức là bất kỳ mối quan hệ nào vi phạm chế độ 1:1 trong hôn nhân sẽ bị xem là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và hành vi này sẽ có thể xem là tội ngoại tình.
Như vậy, hành vi phát sinh tình cảm hoặc quan hệ ngoài luồng với người khác chỉ bị pháp luật điều chỉnh khi có yếu tố “chung sống như vợ chồng”.
Ngoại tình có thể bị xử lý hình sự
Tại khoản 1, Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện nay, tội ngoại tình có thể dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.
Người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi dẫn tới hậu quả là: Làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên hoặc cả hai ly hôn; Hoặc hành vi này đã bị xử phạt vi phạm chính nhưng người phạm tội vẫn vi phạm; Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, người có hành vi chung sống với người khác như vợ chồng trong khi đang có vợ hoặc chồng hoặc chưa có vợ, chồng nhưng chung sống với người mà biết rõ là đã cơ vợ hoặc chồng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cao nhất được áp dụng đối với tội phạm này là tù có thời hạn đến 3 năm.