Lễ hội xưa được gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau, gắn với truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh. Dưới các triều đại phong kiến, đây là quốc lễ tưởng niệm hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Phần lễ trang nghiêm kết hợp phần hội sôi động với các hoạt động như trống hội vật, thi thư pháp, biểu diễn hát Chèo, hát Xẩm… tạo nên bầu không khí rộn ràng, hấp dẫn.
Năm nay, lễ hội có thêm các sự kiện như hội thảo về bà Phạm Thị Trân – tổ nghề sân khấu Việt Nam, triển lãm cổ phục thời Đinh, giới thiệu sản phẩm OCOP và hàng thủ công mỹ nghệ... Những điểm mới này đã thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
![]() |
Nghi thức Tế cửu khúc tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025 được phục dựng và gìn giữ đến ngày nay. |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: Hoa Lư là nơi đặt nền móng cho Nhà nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch, giáo dục truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, nhất là với thế hệ trẻ.
Quý I/2025, Ninh Bình đón hơn 4,4 triệu lượt khách, trong đó có 535 nghìn lượt khách quốc tế. Riêng dịp lễ hội Hoa Lư, toàn tỉnh đón hơn 164 nghìn lượt khách, mang về doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Ninh Bình.
![]() |
Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, người dân là chủ thể giữ gìn lễ hội. Khi người dân thực sự gắn bó với văn hóa địa phương, giá trị ấy sẽ được bảo tồn bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: từ mạch nguồn Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đang hướng tới trở thành trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa và tổ chức sự kiện tầm quốc gia và quốc tế.