Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Vấn đề quan trọng bậc nhất là lợi ích của người dân. Nếu lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Đảng, tin chế độ.
|
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng năm 1961.(Ảnh tư liệu) |
Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, theo Người, trước hết phải có chính sách đúng. Cụ thể hơn, tất cả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng vào dân và nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân. Bác cũng luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: Đảng, Chính phủ đề ra đường lối, chính sách; cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần…
Củng cố mối quan hệ giữa dân với Đảng
Xuất phát từ tư tưởng “lấy dân là gốc”, ngay từ khi mới thành lập chính thể mới, cùng với việc thiết lập chính quyền các cấp, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân, quan tâm đến việc kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước, việc giải quyết khiếu kiện của dân, chống phiền hà, nhũng nhiễu dân. Người cho rằng, không có Nhân dân thì Đảng, Chính phủ không có lực lượng. Có dân là có tất cả: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. Với cán bộ, đảng viên, cần nêu cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đó là mục đích và bản chất của Đảng. Bác Hồ đã khẳng định, Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của Nhân dân lao động, của dân tộc.
Cùng với đó, Bác cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Người đã nhiều lần chỉ ra ý nghĩa chính trị sâu sắc của công tác tiếp dân, nghe dân nói và nói cho dân hiểu. Bởi tiếng nói của Nhân dân là một trong những căn cứ để Đảng, Nhà nước chỉnh sửa các quy định tại văn bản luật còn chưa phù hợp, nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn dân hiểu, dân tin thì một việc vô cùng quan trọng là phải phát huy dân chủ ở cơ sở. Để Nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tư cách là người chủ thực sự, Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn vì nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.
Học tập tư tưởng của Người, cách đây hơn 20 năm, tháng 6/1997, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp sau đó, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị khoá VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.... Đặc biệt, “ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà Nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo”- Tổng Bí thư lưu ý.
Lắng nghe, tôn trọng ý kiến Nhân dân
Thực tế cho thấy, khi nào Đảng lắng nghe dân, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của dân và giải quyết những kiến nghị, khiếu nại của dân một cách thấu đáo thì khi ấy dân sẽ một lòng hướng về Đảng. Trong bài nói chuyện với cán bộ thanh tra tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, tố cáo, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, tố cáo. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.
Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta quán triệt, thể hiện rõ trong các Nghị quyết cũng như các văn bản luật. Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nêu bật một quan điểm nhất quán: những chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nói chung và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng mới cảm nhận sâu sắc hơn Nhân dân đang quan tâm vấn đề gì, băn khoăn điều gì và việc gì chưa làm người dân hài lòng. Lắng nghe Nhân dân, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng sẽ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, để từ đó giải quyết triệt để những băn khoăn, bức xúc của người dân, gây dựng thêm niềm tin của Nhân dân vào công tác xây dựng luật của Quốc hội.
Chẳng hạn, thời gian vừa qua, khi một số người dân còn chưa hiểu và bày tỏ tâm tư trước những quy định tại dự án Luật Đặc khu; tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những băn khoăn, lo lắng của Nhân dân, cử tri là đúng, đồng thời cho biết, trong quá trình ban hành luật, Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến cử tri và Nhân dân.
Còn khi đề cập đến vấn đề thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà dư luận quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giải thích với cử tri hết sức cặn kẽ và rõ ràng, qua đó giúp những người chưa hiểu, chưa thông cũng được tỏ tường. Đây là dự án luật đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Dự Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Tuy nhiên, trước những băn khoăn của cử tri và Nhân dân, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thông qua Dự Luật vào Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Và mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018, Quốc hội chưa xem xét dự án Luật này để tiếp tục xin ý kiến cử tri, Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án thông qua vào kỳ họp sau.
Lo cho dân từ miếng ăn đến giấc ngủ
Nói về trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của Nhân dân”. Theo quan điểm của Người, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi...”.
Như vậy, một khi đã là công bộc của dân, người cán bộ lãnh đạo không chỉ quan tâm đến việc “quốc gia đại sự” mà còn lo lắng đến từng miếng ăn, giấc ngủ, chuyện học hành, ốm đau của người dân. Nói như Bác thì “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì được nghỉ ngơi…”.
Thấm nhuần lời dạy này, trước hậu quả nặng nề của thiên tai và thời tiết bất thường, cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và địa phương bàn về phương án hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, trước mắt, cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, để khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Bên cạnh việc lo về nhà ở, cần lo cho người dân sống trong nhà ấy bằng cách nào? Đất sản xuất ra sao, cũng như lo cả hạ tầng, như việc người dân sống ở đó đi lại bằng cách nào, con em họ học hành, chữa bệnh làm sao...? Có thể nói, những việc làm này của Chính phủ đã thể hiện rõ tư tưởng yêu dân, thương dân, quan tâm đến Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở…
Dù Bác đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về việc “trọng dân, yêu dân, lấy dân làm gốc” trong mọi quyết sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn được mọi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Trong không khí phấn khởi, vui tươi của những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục ra sức thi đua “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh” để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh như mong ước của Người.