Ngã lên ngã xuống, hạ sinh trên đường, hay những em học sinh không biết tiếng Kinh là những kỷ niệm của các thầy cô khi bám bản ở vùng cao.
|
Sáng sớm các em học sinh vùng cao đã tới lớp cùng thầy cô vệ sinh trường. |
Kỷ niệm khó quên của thầy cô
Nghề giáo thường được ví như nghề lái đò và thầy cô là những người đưa đò. Những người đưa đò âm thầm chở từng lớp học trò đến bến mới, dù gặp phải khó khăn, trở ngại nhưng vì tình thương bao la đã giúp người đưa đò vững tay chèo lái.
Đêm ấy ngủ lại Hồng Ngài, chúng tôi phần nào hiểu thêm được cuộc sống của các thầy cô giáo nơi đây.
Cô Nguyễn Thị Quyên (SN 1975, ở Cam Đường, Lào Cai), người có 16 năm công tác giảng dạy tại xã vùng biên Y Tý tâm sự: “Ngày đầu mới lên tôi cũng thấy vất vả, nản lòng lắm, 100% học sinh ở đây là người Hà Nhì, không biết tiếng Kinh, hỏi gì các em cũng không trả lời được. Nhưng điều giữ chân chúng tôi ở lại nơi xa xôi này, phần vì cái tâm với nghề, muốn truyền tải kiến thức để các em có thể tiếp cận với xã hội. Phần vì sự ngây thơ, ngoan ngoãn, hiếu học của các em”.
Theo lời cô giáo Quyên, mới đầu cô muốn bỏ nghề, nhưng lâu dần cũng thành quen. Xa gia đình, xa chồng, những lúc nhớ con cô chỉ biết mang học sinh ra trò chuyện.
|
Các em nhỏ váy áo xúng xính lên lớp đúng giờ. |
Nhớ lại lúc con 8 tháng đã phải gửi về ông bà nội, ngoại chăm hộ cô không kìm nén được cảm xúc: "Thương con nhưng không biết phải làm sao, để con lại cũng không đành, các thầy cô ai cũng phải lên lớp, mà để cháu ở phòng một mình thì lại sợ, đi lại ngó con sẽ không tập trung bài giảng cho học sinh".
Khi được hỏi động lực nào khiến cô quyết tâm gắn bó với nơi này? Cô giáo Quyên cho biết: “Tôi đến đây khi trẻ chưa biết chữ, vì muốn cho các em biết chữ nên tôi quyết tâm ở lại. Đặc biệt, học sinh ở đây đã làm cho tôi quen, gắn bó lâu thấy gần gũi nên tôi cảm thấy yêu trẻ”.
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng ai cũng yêu mến học sinh và cống hiến hết mình vì sự nghiệp dạy và học ở vùng biên cương này.
Nhớ lại kỷ niệm khó quên, cô giáo Quyên hồ hởi nói: “Tôi nhớ nhất là lần sinh thằng cu thứ hai, đêm hôm đấy tôi lên cơn đau bụng, có biểu hiện trở dạ nhưng vì đêm tối, đường xá đi lại khó khăn nên sáng hôm sau mới được đưa đi sinh. Nào ngờ đi được nửa đường, vừa vào đến cổng trạm y tế xã Mường Hum là tôi đã rơi cháu ra rồi, may mắn mẹ con đều khỏe mạnh”.
|
Ngôi trường tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ. |
Không chỉ cô Quyên mà thầy Lương Bình Sơn (SN 1986, nhà ở Bảo Yên) lên đây bám bản cũng bộc bạch: Biết bao khó khăn trở ngại, từ việc bất đồng ngôn ngữ, vận động học sinh tới lớp đến cuộc sống nơi vùng núi heo hút khiến thầy cảm thấy nhớ nhà, nhiều lúc chán nản, cô đơn.
Nhưng những lúc như vậy, các đồng nghiệp trở thành những người bạn tâm tình thân thiết nhất. Công việc dù khó khăn đến mấy những nghĩ đến các em học sinh họ lại cố gắng vượt qua.
“Lên đây chúng tôi vừa phải dậy học vừa phải kết hợp học tiếng địa phương để hiểu và truyền đạt cho các em. Thời tiết lại khắc nghiệt, vào những ngày mùa đông giá rét, tôi thấy thương học sinh mình vô cùng, trên tay cầm cặp lồng cơm, nhưng dưới chân các em lại đi chân đất, nhìn rất tội”, Thầy Sơn cho biết.
|
Cô giáo Quyên miệt mài với bài giảng trên lớp cho học trò. |
Khi được hỏi về dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11 hay nhiều ngày lễ khác các thầy cô ở đây được đón nhận như nào, thầy Sơn liền tươi cười đáp: “Ở đây các em chỉ có bông hoa của núi rừng mang tặng các thầy cô thôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui vì đó là món quà tinh thần quý giá nhất không có gì sánh bằng”.
Những mầm xanh hy vọng
Ở mọi nơi thường rất đông vui. Còn ở đây, các thầy cô giáo chỉ biết động viên nhau bằng tinh thần. Đằng sau mỗi câu chuyện buồn vui lẫn lộn, chúng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt, nụ cười tươi vui, tấm lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo.
|
Những em bé ngây thơ, hồn nhiên mặt lấm lem cặm cụi đọc sách trong giờ học. |
Dù vất vả nhưng đã chọn nghề thì suốt đời gắn liền với cuộc sống quanh các em học sinh, cần có một trái tim nhân hậu, một tấm lòng khoan dung vị tha và lòng yêu thương đủ lớn để bao bọc các em, đó là những gì Thầy Sơn chia sẻ khi nói về nghề.
Tuy ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng điểm trường chúng tôi đến lại sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.
Lớp học ở đây thật đơn sơ, sau chiếc cổng chào bằng khung gỗ là dãy nhà ba gian đắp đất theo kiểu nhà trình tường của người Hà Nhì, bên trong bàn ghế đều đã cũ. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các em học sinh ở đây rất hiếu học và thích đến trường.
Không quần là áo lượt, không giày dép sành điệu như những cậu ấm, cô chiêu ở dưới thành phố mà đơn giản chỉ là đôi dép tổ ong hay những đôi ủng xanh, đỏ cũng giúp các em học sinh vùng cao vui vẻ, tung tăng đến trường.
|
Cô Vân hướng dẫn các em tập đọc. |
Những gương mặt đen nhẻm, gầy gò, luôn cặm cụi vào trang sách, khi thấy có người vào chúng đứng lên đồng thanh chào rõ to. Sự hồn nhiên, ngây thơ, ngoan ngoãn của các em học sinh ở đây cũng là nhờ công dạy dỗ của các thầy cô giáo.
Đi qua các lớp, những phép tính cộng phép trừ, nhân chia, những chữ cái ô a đã phần nào xóa đi nạn mù chữ ở vùng cao.
Đưa các em đến với cánh cửa mới to hơn, đẹp hơn để rồi các em sớm trở thành những kỹ sư, bác sĩ trở về giúp đồng bào làm cho đời sống của bà con ấm no.
Tiếng trống trường vang lên, các em học sinh ùa ra như đàn chim non, tiếng cười nói vui vẻ, chạy nhẩy, chơi đùa của các em khiến thầy cô quên đi sự nhọc nhằn.
|
Giờ ra chơi thày và trò cũng nhau sinh hoạt chung. |
Thầy Vũ Ngọc Thụ (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Tý 2) cho biết: Gian nan trên con đường gieo chữ là thế nhưng số liệu về công tác giáo dục tại trường đáng mừng.
Điều kiện ở vùng cao thời tiết khắc nghiệt mùa rét có thời điểm xuống đến âm độ nhưng tỷ lệ chuyên cần ở đây vẫn đạt từ 95 – 98%. Mỗi khi mưa rét các thầy cô lại đốt lửa trong lớp để các em sưởi ấm nên sĩ số vẫn đảm bảo.
Cô Tưởng Thị Tuyết (Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Bát Xát) cho biết: Phòng Giáo dục rất chia sẻ với những khó khăn ở đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập để xây dựng trường mới khang trang hơn.
|
Nhìn các học sinh thân yêu của mình ngày một trưởng thành là động lực cho các thầy cô cố gắng công hiến với nghề. |
“Chia sẻ khó khăn với thày và trò vùng cao, các giáo viên dậy ở đây sẽ có thu hút, được hỗ trợ lần đầu, còn đối với học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa, thiết bị đồ dùng học tập cho các cháu”, cô Tuyết cho biết.
Chia tay Hồng Ngài khi mặt trời lên cao, màn sương đã tan hết để lộ ra ánh nắng vàng le lói. Điểm trường cứ xa dần rồi mờ nhạt hẳn, cái bắt tay rất chặt của Bộ đội Biên phòng và ánh nhìn chứa đầy hy vọng của thầy, cô giáo tạo cho chúng tôi cảm giác ấm lòng khi rời miền sơn cước.