Mong muốn mang con chữ truyền tải đến các em học sinh thân yêu, nhiều giáo viên vùng cao đã không ngại khó, ngại khổ lên cắm bản dạy học.
Những giáo viên nữ…tay lái Trường Sơn
|
Đường đi từ trung tâm xã Y Tý vào thôn Hồng Ngài gập ghềnh khó đi. |
Trời hôm nay hanh, có chút nắng lên nhưng vẫn lạnh, cái lạnh se sắt đầu đông ở vùng núi cao biên giới đã không làm nhụt chí chúng tôi, 1h chiều chuyến xe bắt đầu chuyển bánh từ trung tâm TP Lào Cai.
Vượt qua những con dốc dài uốn lượn, quanh co, đường gập ghềnh. Vòng vèo mãi, hơn 3h chiều chúng tôi cũng đến được với xã Y Tý, một xã giáp biên khó khăn của huyện Bát Xát, (Lào Cai).
Đây là xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối và đồi núi cao, độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 2.000m.
Thời tiết khắc nghiệt, nơi đây gần như quanh năm mây mù bao phủ, hàng năm người dân ở đây phải ghánh chịu nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, thậm chí là mưa tuyết gây ảnh hưởng đến chăn nuôi gia súc, và phát triển nông nghiệp.
|
Nhiều đoạn các thầy cô phải xuống dắt bộ... |
Toàn xã có 15 thôn bản, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông...là một xã nghèo, trình độ dân trí còn thấp. Công tác giáo dục trên địa bàn xã tuy đã được Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền thường xuyên quan tâm xong vẫn còn không ít khó khăn, nhiều điểm trường còn tạm bợ, không có điện, nhà vách đất, cơ sở vật chất thiếu thốn…
Để mục sở thị, chúng tôi đăng ký đến điểm Trường Tiểu học Y Tý 2 thôn Hồng Ngài, đây là thôn biên giới xa nhất của xã.
Nghỉ ngơi, chờ các thầy cô giáo đón, hơn 4h chiều chúng tôi lại tiếp tục hành trình vào bản cùng các giáo viên ở đây. Từ trung tâm xã vào thôn Hồng Ngài 18km đường rừng, lổn nhổn toàn đá hộc. Quãng đường cũng khá xa, dốc ngoằn ngoèo, nhiều đoạn cua gấp khúc, chiếc xe máy gặp “ổ voi, ô gà”, liên tục chồm lên chồm xuống.
|
18km toàn đường rừng phải mất khá nhiều thời gian mới đi đến được điểm trường. |
Giao thông đi lại vất vả, ấy vậy mà các thầy cô vẫn bất chấp mọi khó khăn, miệt mài đưa con chữ đến với học trò nghèo, giữa đại ngàn heo hút.
Đường lên Hồng Ngài không khác gì leo đỉnh Phan-xi-păng, tay lái phải vững không khó di chuyển lắm…cô giáo Trang Thó Sợ vừa đèo tôi vừa tếu chuyện.
Nhớ lại những ngày tháng mới vào cẳm bản ở Hồng Ngài cô giáo Sợ chia sẻ: “Khi mới nhận công tác vào đây em cũng buồn và chán lắm. Một ngày di chuyển xe máy trên cung đường này ngã đến 7 – 8 lần, tím tái hết đầu gối, xe hỏng liên tục. Nhưng cứ nghĩ đến các em học sinh là lại có động lực đứng dậy đi tiếp. Giờ được điều chuyển ra ngoài gần hơn, nhưng kỷ niệm ở Hồng Ngài thì khó quên nhà báo à!”.
|
Chiếc xe máy các thầy cô di chuyển vào Hồng Ngài đều phải gài về số 1. |
Vừa kể chuyện, cô giáo Sợ vừa phải chú ý quan sát đường, ghì chặt tay lái, bởi nhiều đoạn dốc nối dài, khó đi rất nguy hiểm. Đáng chú ý, cả quãng đường di chuyển, chiếc xe máy lúc nào cũng gài về số 1.
Dù thiếu thốn …nhưng vẫn vui vẻ, yêu đời
Nhìn cung đường vừa đi qua, đất đá lộm cộm sắc lẹm như lưỡi quốc, rồi vào mùa đông, mỗi lần xuống trung tâm xã, hay di chuyển lên điểm trường họ phải đối diện với cái lạnh thốc vào mặt, cứa vào da thịt, chúng tôi thấu hiểu các thầy cô ở đây yêu nghề đến chừng nào.
Theo lời cô giáo Sợ, di chuyển trên đường xa, hay gặp sự cố, lại là phận nữ các cô còn tự trang bị cho mình những vật dụng như: xăm, lốp xe…để khi gặp chuyện không may là tự mình sửa chữa hoặc nhờ người đi đường giúp.
Gần 2h đồng hồ vật vã với đường gập ghềnh, hết leo dốc lại xuống dốc, người mỏi nhừ, cuối cùng hơn 6h tối chúng tôi cũng đến được điểm trường trong thôn Hồng Ngài.
Lên tới Hồng Ngài, mới biết địa hình nơi đây còn khắc nghiệt hơn ở trung tâm xã. Mới đầu đông mà trời mù mịt sương, tối đến, mây sa sầm xuống mặt đất, cái lạnh thấu đến da thịt.
|
Cơ sở vật chất còn thiếu thốn các cô giáo phải soạn giáo án dưới ngòn đèn tích điện. |
Là thôn xa nhất trong xã, lại chưa có điện lưới quốc gia, hình ảnh ngôi trường với ngọn đèn tích điện leo lắt cứ ảm ảnh chúng tôi.
Tất cả các phòng học đều tối om, mọi sinh hoạt của các thầy cô phụ thuộc vào ánh sáng của màn hình điện thoại, hay những chiếc đèn tích điện được nạp từ nhà mang lên, rồi tiếng cười nói của mọi người làm cho cả ngôi trường trở nên ấm áp.
Trường Tiểu học Y Tý 2 có bốn thầy cô giáo cắm bản, ngoài giờ lên lớp tối đến các thầy cô lại cùng nhau quây quần soạn giáo án. Rảnh rỗi, họ lại ngồi tám chuyện gia đình, khoe ảnh con cái để vơi đi nỗi nhớ nhà.
Chia sẻ về khó khăn gặp phải khi mới nhận quyết định lên đây dậy học, cô giáo Liềng Thị Vân cho biết: “Mới đầu em thấy hơi buồn vì điều kiện không được như vùng thấp, từ trường chính lên đến điểm thôn, đường thực sự khó đi. Nhưng sau một thời gian ở cùng với các thầy cô giáo cũ, em thấy quen dần. Dù không có điện, không có ti vi xem nhưng nghĩ đến bài giảng và các em học sinh ngoan ngoãn chính là động lực cho em phấn đấu”.
|
Sau giờ làm việc, thời giản rảnh các thầy cô thương quây quần kể chuyện, khoe ảnh con cái, gia đình cho vơi đi nỗi nhớ nhà. |
Nói về khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo ở đây, thầy Vũ Ngọc Thụ, Phó Hiệu trường Trường Tiểu học Y Tý 2 tâm sự: Là điểm trường xa nhất, đường sá đi lại của các thầy cô gặp nhiều khó khăn, thôn lại không có điện, diện tích phòng học nhỏ nên chúng tôi vẫn thường xuyên vận động mọi người cố gắng bám trường, bám lớp.
“Các giáo viên đều ăn nghỉ tại điểm trường, cứ hai tuần các thầy cô lại ra khu vực gần điểm trường chính mua bán mọi đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Còn những lúc họp chúng tôi luân phiên thay đổi tại các điểm trường để thầy cô đi lại đỡ vất vả”, thầy Thụ cho biết.