Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc miễn trách nhiệm đối với người ngoại tỉnh vi phạm giao thông tại Cần Thơ sẽ vô tình dung túng cho cái xấu.
Xử lý đối với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ vốn là một vấn đề nan giải, bởi vậy nên đề xuất không xử phạt người ngoại tỉnh vi phạm giao thông tại Cần Thơ mới đây đang làm dư luận đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, tại cuộc họp bàn về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Ninh Kiều ngày 27/3, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đề xuất không phạt người ngoại tỉnh vi phạm giao thông mà chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, chỉ dẫn để thể hiện hình ảnh con người Cần Thơ lịch thiệp, mến khách.
|
Đề xuất không phạt người ngoại tỉnh vi phạm giao thông tại Cần Thơ đang gây nhiều tranh cãi. (Hình minh họa) |
Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này, nhưng cũng không ít người băn khoăn rằng, liệu sự ưu ái đó đối với người ngoại tỉnh khi tham gia giao thông tại Cần Thơ có làm giảm tai nạn giao thông hay không?
Vậy về mặt pháp lý, đề xuất quy định không xử phạt đối với người ngoại tỉnh tham gia giao thông tại Cần Thơ có phù hợp với các quy định của pháp luật không? phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, "nếu cho rằng quy định không xử lý vi phạm giao thông với người ngoại tỉnh để thể hiện sự "hiếu khách" thì đó cũng là một quy định thể hiện sự lạm quyền, tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật và có thể còn dung túng cho cái ác, mang đến nguy cơ mất an toàn cho xã hội".
Thực tế, sẽ có một tình huống đặt ra là những người ngoại tỉnh vào thành phố, biết mình được "miễn trừ" tuân thủ luật giao thông đường bộ thì họ sẽ có thể trở thành những người tự ý cho phép mình ở ngoài vòng pháp luật và sẽ không tuân thủ luật giao thông.
Quan trọng hơn nữa, hành vi không tuân thủ luật giao thông ấy không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ, mà còn có thể gây nguy hiểm cho người khác.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn "Điều 21: Luật xử lý vi phạm hành chính" năm 2012 quy định về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng:
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền; c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính...
Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn cũng quy định mức xử lý tương tự: Cảnh cáo, Phạt tiền...Theo nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì sẽ phải xử lý mọi trường hợp vi phạm.
Với những người ngoại tỉnh nếu vi phạm do lỗi vô ý do chưa biết đường, chưa thuộc luật thì có thể xem xét giảm nhẹ và nếu đủ điều kiện áp dụng hình thức xử lý là "cảnh cáo" thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý là "cảnh cáo" theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính chứ không thể tùy tiện theo kiểu "xin -cho" để miễn trừ trách nhiệm pháp lý.