TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết như vậy tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về chương trình đào tạo liên tục (ĐTLT) một số bệnh lý tim mạch năm 2016 - CONCEPT và khai giảng lớp ĐTLT cho các bác sỹ (BS) tim mạch Hà Nội và khu vực lân cận vừa được Hội Tim mạch học Việt Nam và Văn phòng đại diện Merck Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Hậu họa khôn lường
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, kiến thức y khoa trong chẩn đoán, điều trị bệnh, sử dụng thuốc… thay đổi liên tục nên các BS luôn phải cập nhật kiến thức mới, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Điều này giúp giảm rủi ro, tránh xảy ra những tai biến trong quá trình khám chữa bệnh, như vậy, người được hưởng lợi sẽ là bệnh nhân.
Thực tế, theo phản ánh của ông Nguyễn Ngô Quang, chất lượng chẩn đoán, điều trị, cũng như trình độ chỉ định, sử dụng thuốc cho bệnh nhân của các BS hiện nay không được đảm bảo, dẫn đến những hậu quả, sai lầm đáng tiếc cho bệnh nhân. Vụ việc bệnh nhân bị cắt cụt chi vừa xảy ra ở Đắk Lắc là một ví dụ. Vì vậy nhu cầu ĐTLT cho các BS là một việc làm bức thiết và cấp bách hiện nay.
BS Đặng Văn Phước - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cho hay, phần lớn các “sự cố” xảy ra trong thực tế một phần là do tay nghề, một phần là do lý thuyết về y khoa của các BS không được cập nhật.
Chính vì lý do đó, Nhà nước rất khắt khe trong việc tuyển sinh viên y khoa. Sau khi ra trường, thậm chí vào nghề rồi họ vẫn phải tiếp tục đào tạo, trau dồi, cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhiều nước quy định sinh viên y khoa phải đào tạo tối đa 12 năm mới được hành nghề.
Tại Việt Nam, ông Phước cho biết, mặc dù chúng ta đã quy định về ĐTLT với những tiêu chí rất rõ ràng, cụ thể, nhưng trong thực tế vẫn có tình trạng BS không được đào tạo, cập nhật kiến thức vẫn cứ điều trị cho người bệnh, dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng…
“Trước bệnh mạch vành chúng ta có thể xử lý bằng thở oxy, giờ phương pháp điều trị phổ biến là đặt stent. Nhiều loại thuốc ngày xưa chúng ta vẫn sử dụng, giờ không còn áp dụng nữa… Chính bởi thế, nếu không được ĐTLT, các BS sẽ khó lòng chẩn đoán, điều trị đúng cho bệnh nhân… Vừa rồi, chúng tôi tổ chức một khóa tập huấn cho các BS tim mạch cơ sở tại Bệnh viện Tim mạch Trung ương. Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không được cập nhật các kiến thức mới, cũng như thực hành nhiều người sẽ không thể làm được” – GS. TS. Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam bộc bạch.
Lười nạp kiến thức thì cũng khỏi hành nghề
Theo GS. TS. Nguyễn Lân Việt - Hội Tim mạch học Việt Nam là Hội đầu tiên được Bộ Y tế cấp mã cơ sở ĐTLT công nhận chương trình và được cấp giấy chứng nhận ĐTLT cho các học viên theo học.
Việc đào tạo này sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho các bác sĩ chuyên ngành tim mạch đang hoạt động ở tuyến cơ sở, giúp người dân giải quyết có hiệu quả những bệnh lý về tim mạch - một trong những căn bệnh không lây nhiễm có nguy cơ tử vong cao nhất và đang ngày một gia tăng.
Đại diện Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết thêm, thời gian thực hiện chương trình từ nay đến hết năm 2018. Sau lớp khai giảng tại Hà Nội, Hội sẽ tiếp tục triển khai các lớp ĐTLT tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.
Các bệnh lý tim mạch được giảng dạy trong chương trình tập trung vào những bệnh mà nhiều người mắc hiện nay như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và suy tim. Không chỉ được trang bị về mặt lý thuyết, các học viên cũng sẽ được thực hành trên các trường hợp bệnh cụ thể, giúp nâng cao tay nghề và giải quyết tốt các ca bệnh khó về tim mạch.
Đây cũng là lần đầu tiên MERCK Việt Nam tổ chức một chương trình có quy mô quốc gia nhằm cấp chứng chỉ CME cho các BS chuyên ngành, giúp ngành tim mạch học thu hẹp mọi khoảng cách giữa y tế các tuyến, góp phần cho chất lượng sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, TS. Nguyễn Ngô Quang cho hay, theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tốt nghiệp đại học y, các BS phải trải qua 18 tháng thực hành, sau đó được cấp Chứng chỉ hành nghề một lần.
Tuy nhiên, trong thời gian 02 năm hành nghề, họ lại tiếp tục phải cập nhật kiến thức. Nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục đủ 48 tiết sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Và ĐTLT là chương trình bắt buộc và cũng là hướng ưu tiên của Bộ Y tế trong thời gian tới để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.
Cũng theo TS Quang, hiện Bộ Y tế đã cấp mã số đào tạo cho hầu hết các cơ sở y tế và sẽ tiến hành kiểm định chất lượng ở các cơ sở này. Cơ sở nào nào đã cấp rồi mà kiểm định không đủ điều kiện sẽ bị nhắc nhở, đào tạo bổ sung, nếu cố tình không đáp ứng cơ quan chức năng sẽ thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề. TP HCM là nơi tiên phòng thí điểm triển khai thực hiện quy định này.
Theo đó, Sở Y tế TP HCM sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở y tế ngoài công lập trong năm nay. Trước hết sẽ nhắc nhở, trên tinh thần khuyến khích chương trình ĐTLT, cuối năm 2016 sẽ chính thức thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề các cá nhân không tuân thủ quy định này.