Những lần “trâu về hợp phố”
Trong giới chơi đồ cổ ở tỉnh Bình Định, nhắc đến tên ông Nguyễn Đức Tuấn nhiều người biết. Trước năm 1975, cha của ông Tuấn sống bằng nghề buôn bán cổ vật nên ông đã tiếp xúc và mê đồ cổ ngay từ nhỏ. Khi học tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), mỗi lần cha gửi hàng đi giao cho người mua là ông tiếc đến ngẩn ngơ.
Sau này, khi đi làm, kinh tế gia đình khá dần lên, ông Tuấn có điều kiện tốt hơn để sống với đam mê đồ cổ. Trong nhà hiện có gần 4.000 cổ vật nhưng ông Tuấn đặc biệt mê mẩn những đồ bằng gốm, sứ Việt, Chămpa, Trung Hoa. Những cổ vật này trải dài từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.
Nhắc về những kỷ niệm trong cuộc đời sưu tầm cổ vật, ông Tuấn kể, năm 1984, trong lần đi công tác ở tỉnh Gia Lai, ông được một người mời vào nhà uống trà. Nhìn nước men của 4 tách trà để trước mắt, ông liền mê mẩn. Tuy nhiên, khi lật đế lên thì chỉ thấy vệt sơn do chủ nhà đánh dấu, không dám khẳng định nhưng ông nghi đấy là bộ tách trà cổ. Hỏi thì chủ nhà nói không biết, chỉ nhớ là do cha mẹ để lại.
Ông Tuấn sau đó đặt vấn đề mua bộ tách trà, chủ nhà tưởng ông đùa nên hét thật cao để đùa lại: “Mỗi tách 1 chỉ vàng, trọn bộ 4 chỉ”. Ông Tuấn đồng ý mua ngay, chủ nhà ngơ ngác, không dám tin những lời mình vừa nghe và đồng ý bán. Khi về nhà, ông Tuấn cạo lớp sơn dưới đế thì có chữ nhật nên xác định bộ tách trà có từ triều Nguyễn.
“Thời các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, triều đình phong kiến và quan lại mới dùng bộ tách trà bằng sứ Trung Hoa, dưới đế có chữ nhật. 4 chỉ vàng hồi đó dùng để mua một bộ tách trà cổ là rất cao nhưng nếu biết lai lịch của bộ tách trà này thì số vàng đó là xứng đáng”, ông Tuấn cho biết.
Khoảng năm 2000, một người chơi đồ cổ ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) mang đến nhà ông Tuấn một chiếc lục bình và ngỏ ý muốn bán cho ông vì biết ông là người đam mê với cổ vật. Chiếc lục bình người này rất trân quý nhưng vì nhiều lý do nên mới mang đi bán. Ông Tuấn nhìn qua rồi lắc đầu không mua.
Mãi đến năm 2013, một người chơi đồ cổ ở Quy Nhơn sắp qua Mỹ định cư nên muốn thanh lý hết số cổ vật của mình. Tình cờ, ông Tuấn phát hiện trong số đó có chiếc lục bình nói trên. Hỏi ra mới biết người này mua lại của người ở phường Bình Định. Sau đó, ông Tuấn mua lại chiếc lục bình này với giá 2,5 cây vàng. Hiện ông đặt chiếc lục bình trang trọng ở bàn tiếp khách.
“Chiếc lục bình này men xanh trắng thời nhà Minh. Bây giờ, giá trị của nó cũng không tăng bao nhiêu so với thời điểm tôi mua. Tuy nhiên, nó là một kỷ niệm đáng nhớ với tôi. Tôi tâm niệm, vật đã tìm đến mình thì trước sau gì cũng về với mình”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn thừa nhận, nhiều năm chơi đồ cổ nhưng không phải lúc nào cũng biết được thật, giả. Có lần ông đã bị lừa một vố đau. Chuyện là khoảng năm 1980, ông mua được chiếc đĩa men xanh trắng thế kỷ XVIII với tích “Từ Thức quy phàm” giá 6 triệu đồng. Đến năm 2010, một người chơi đồ cổ ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có ý muốn ông đổi chiếc đĩa này để lấy chiếc đĩa chữ Nguyễn của anh ta. Vì thích đĩa chữ Nguyễn nên ông đồng ý đổi.
Thời điểm ấy, chiếc đĩa của ông có giá 120 triệu đồng, còn chiếc đĩa chữ Nguyễn có giá khoảng 130 triệu đồng nên ông bù thêm cho người đàn ông kia 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó nhờ một vài người sành về cổ vật, ông Tuấn mới biết chiếc đĩa chữ Nguyễn là đồ giả. Ông liền gọi điện để hủy trao đổi nhưng người đàn ông kia nói rằng đã bán chiếc đĩa.
“Tôi vẫn trả lại chiếc đĩa cho anh ta nhưng anh ta chỉ trả lại tôi 95 triệu đồng. Thời điểm ấy, tôi biết anh ta vẫn giữ chiếc đĩa của tôi chứ chưa bán nhưng anh ta nói vậy thì tôi cũng chịu chứ biết sao. Mãi đến năm 2022, tôi phát hiện chiếc đĩa của mình thuộc về một người chơi đồ cổ ở tỉnh Nam Định nên gặng hỏi. Người này nói là mua của người ở Nha Trang đã lừa tôi. Tôi thuyết phục mãi nên người này đã bán lại cho tôi với giá 360 triệu đồng. Tôi xem nó như món cổ vật “châu về hợp phố” và cũng để ghi nhớ lần bị lừa này”, ông Tuấn thổ lộ.
Duyên nợ… bình vôi
Trong không gian trưng bày đồ cổ của mình, ông Tuấn dành một diện tích để trưng bày bộ sưu tập bình vôi cổ. Theo ông Tuấn, bộ sưu tập gần 400 chiếc bình vôi cổ của ông có niên đại đa dạng, nhiều chiếc có tuổi hàng trăm năm. Trong đó, các loại bình vôi bằng gốm Quảng Đức (tỉnh Phú Yên), gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định), sành Thiên Phước (tỉnh Thừa Thiên Huế) đơn sắc, thể hiện vẻ đẹp giản dị. Tinh xảo hơn là các loại bình vôi có từ thời Hậu Lê và của Trung Hoa được làm bằng sứ, tráng men trắng hoặc xanh...
Trong số bình vôi cổ, ông Tuấn tâm đắc với chiếc bình vôi mà ông cho rằng nó có từ thời Hậu Lê và chỉ gia đình quan lại mới dùng. Bình vôi này đã bị vùi chôn mấy trăm năm và được phát hiện do nước chảy bào mòn đi lớp đất đá trên bề mặt.
“Năm 2012, người ta mang đến tận nhà, hô giá 12 triệu đồng, tôi nhìn qua nước men bình vôi rồi mua ngay. Không có nhân duyên thì không thể mua được bình vôi quý này. Nhìn nước men, cán cầm hình con giao long, thân có đốt như gốc trúc là tôi kết ngay, không thể rời xa nó được”, ông Tuấn tâm sự.
Theo ông Tuấn, bình vôi là đồ vật mang nét văn hóa đặc biệt của người Việt, gắn với sự tích trầu cau của dân tộc. Bình vôi không những là vật dụng ăn trầu, gợi nhớ đến hình ảnh thân thương của người bà, người mẹ mà mỗi bình vôi đều gắn liền với một đời người, khi không dùng nữa thì người ta để nó ở gốc cây và gọi là ông bình vôi.
Nhìn vào bình vôi là biết thứ hạng của người dùng. Bình vôi được làm bằng gốm sứ xanh trắng, có hoa văn, họa tiết họa cầu kỳ dành cho những gia đình khá giả; loại làm bằng sành thì dành cho người bình dân; loại men xanh trắng, gọi là bình bát, xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu của các gia đình quan lại…
“Trước kia, bình vôi rất dễ tìm, chỉ cần nhìn gốc cây to, có ụ mối thì đào lên thế nào cũng có. Hồi đó, ít người quan tâm nên mỗi cái bình vôi bằng sành độ vài trăm ngàn, bình sứ thì vài triệu đồng… Bây giờ giá mỗi cái bình vôi cổ đã lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng biết tìm ở đâu ra nữa”, ông Tuấn nói.
Sự kiên trì, nhẫn nại cùng tình yêu với những món đồ lưu giữ giá trị vượt thời gian đã giúp ông Tuấn có được bộ sưu tập đồ cổ đồ sộ như hôm nay. Thú chơi này đã mang lại cho ông nhiều niềm vui, những bài học giá trị, những mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, chính giá trị của mỗi cổ vật đã giúp ông tìm được ý nghĩa của việc mình đang làm là gìn giữ các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại.
“Cổ vật có một ma lực ghê gớm, ai đã mê rồi thì khó dứt. Mỗi khi mua được món cổ vật nào là cả đêm hôm đó và nhiều đêm sau nữa tôi không ngủ được, tắt đèn đi ngủ nhưng rồi cũng trở dậy, chong đèn, ngắm nghía, xem suốt đêm”, ông Tuấn chia sẻ.
Tags: