Trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 đã khép lại với thành công của bóng đá Việt Nam bằng chiếc cúp vô địch đã được đặt sẵn tại SVĐ Mỹ Đình.
Chiếc Cúp Vàng đã được thầy trò HLV Park Hang-seo giương cao đầy kiêu hãnh. Và phía sau những trận đấu sinh tử, quyết liệt của những chiến binh đội quân áo đỏ là những khoảng lặng đẹp đẽ; là những giọt nước mắt hạnh phúc chắt chiu từ bao ngày tháng thăng trầm theo sự nghiệp, khi các chàng trai còn là những cậu bé với khát khao cháy bỏng được khoác áo đội tuyển quốc gia…
“Câu chuyện về thằng bé nhặt bóng...”
Chưa bao giờ Việt Nam có được phong độ và thành tích tốt như giải đấu này. Một giải đấu mà hàng công của ĐT Việt Nam chơi bùng nổ và hàng thủ tỏ ra quá chắc chắn. Lý do tạo nên bức tường thành trước cầu gôn của tuyển Việt Nam đến từ sự kết nối của những cái tên Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Ngọc Hải và sự càn quét khu trung lộ của những cỗ máy như Đức Huy, Hùng Dũng, Huy Hùng...
Ngay sau khi ăn mừng chiến thắng vô địch, mỗi chiến binh áo đỏ đã có một “khoảng lặng” khác nhau. Với hai tân vương Đức Huy và Duy Mạnh, trận chung kết AFF Cup 2018 có quá nhiều cảm xúc khi cách đây đúng 10 năm 2 cậu bé đó cũng có mặt trên SVĐ Mỹ Đình chứng kiến ĐT Việt Nam đoạt chức vô địch.
Đức Huy và Duy Mạnh đã ra ngồi bên đường biên, như cậu bé nhặt bóng 10 năm trước trong ngập tràn cảm xúc. Đức Huy chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “10 năm trước. Tại đúng vị trí này, sân bóng này và trong trận bóng ý nghĩa y hệt như thế này, tôi, cậu bé nhặt bóng 13 tuổi cùng cậu em Duy Mạnh khi ấy 12.
Hai thằng “trẻ trâu” mang trong mình ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ ước ao một lần được khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và bước ra từ đường hầm sân vận động Mỹ Đình, chứ không dám mơ nhiều có được Cúp Vàng Đông Nam Á.
Sau khi Đội tuyển Việt Nam giành chức Vô địch AFF Cup 2008, chúng tôi lẽo đẽo chạy theo các anh để ăn mừng ké, để xin áo và xin những đôi giày các anh đang đi... 10 năm sau... 2 cậu bé nhặt bóng năm đó nay là những tuyển thủ, thi đấu ở đúng giải đấu đó. Chúng tôi góp một phần công sức nhỏ nhoi vào thành công của đội tuyển. Chúng tôi đã Vô địch AFF Cup 2018 trên cương vị những người trực tiếp chơi bóng trên sân!
Nhân đây cũng muốn gửi gắm mấy dòng tâm sự cho những cậu bé hiện tại có hoàn cảnh và ước mơ giống hệt anh năm đó. Các em hãy cứ rèn luyện chăm chỉ và hết mình, cộng thêm cả may mắn thì tất cả giấc mơ đều sẽ thành sự thật!”.
“Bố tôi nói rằng, tôi còn giống người Việt hơn ông”
Có thể nói, sau những choáng ngợp về giấc mơ đã thành hiện thực, mỗi chiến binh áo đỏ lại trở về với tất cả những mong manh, giản dị nhất. Cậu út Đoàn Văn Hậu chạy tới ôm mẹ, cả gia đình nước mắt giàn giụa trong hạnh phúc.
Cậu chỉ kịp ôm mẹ rồi lại chạy xuống sân. Không khóc sao được khi 18 tuổi, không chỉ trong trận bán kết lượt về tại AFF Suzuki Cup 2018 trên sân vận động Mỹ Đình, Quang Hải, Văn Hậu đã lăn xả như một chiến binh, dù không ít lần bị đối phương chơi xấu, thậm chí đánh nguội trên sân. Song Văn Hậu vẫn vượt qua khó khăn, trở thành chốt chặn tin cậy với tinh thần chiến đấu bền bỉ và lối đá điêu luyện đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của đội tuyển Việt Nam.
Chia sẻ về quá trình tập luyện gian khổ của mình, Đoàn Văn Hậu cho biết, bản thân đã phải xa nhà từ năm 9 tuổi, mỗi năm được về nhà một lần, và mỗi lần như vậy cũng chỉ được một vài ngày mà thôi…
Cũng trong buổi tối huy hoàng 15/12 ấy, chúng ta gặp hình ảnh tiền đạo Anh Đức, anh cả của Đội tuyển quốc gia sau khi ghi bàn thắng lịch sử duy nhất trong trận đấu đã ngơ ngác đi tìm mẹ để chia vui… Hình ảnh sau trận đấu, những người hùng quyết liệt trên sân cỏ, nhưng lại hiền khô ở đời thường ấy đã đi vào thơ cô Phố (Phan Thiên Ý) rưng rưng xúc động.
Còn thủ thành Đặng Văn Lâm, sau khi chia vui cùng đồng đội, anh tới bên khung thành làm dấu và khóc nức nở cho những nỗ lực, những thời khắc tưởng như phải bỏ cuộc đã được đền đáp. Bởi bố mẹ Lâm đều đang ở Nga, 8 năm Lâm ròng rã đơn độc chinh chiến khi tìm về quê cha đất tổ, đã có thời gian tưởng như ngưng đọng, khi anh được gửi cho đội bạn Lào mượn.
“Mẹ tôi là một cựu nghệ sĩ sân khấu, bố tôi từng là nghệ sĩ múa ballet, 2 người gặp nhau tại Đại học Nghệ thuật sân khấu Nga. Tôi sinh ra ở Nga, bắt đầu chơi bóng ở địa phương từ những năm 8-9 tuổi. Nhưng sau một trận đấu với Spartak, tôi được mời đến đội bóng này. Đó là bước chân đầu tiên vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Năm 14 tuổi, tôi chuyển sang học viện của Câu lạc bộ Dynamo và gắn bó cho đến khi tốt nghiệp”, Đặng Văn Lâm kể lại.
Khi cảm thấy tự tin, Lâm về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. Nhưng mọi thứ không dễ dàng: “4 năm trời, tôi bị rối loạn trong vòng quay bóng đá Việt Nam. Tôi xuống chơi ở đội trẻ rồi bị đem cho mượn ở Lào.
Sự nghiệp không tiến triển, cuối cùng tôi phải về lại Moscow. Nhưng dù thất vọng đến đâu, tôi tin rằng mình có thể thi đấu chuyên nghiệp và quyết tâm không bỏ cuộc”. Nhưng cũng chính trong quãng thời gian khó khăn, Đặng Văn Lâm rèn được ý chí và phát triển những kỹ năng quan trọng sau này.
Có thể nói, những bước tiến lớn trong thời gian ngắn không phải tự nhiên mà đến. Lâm tâm sự: “Nó là sự tích lũy trong qua nhiều năm tháng với lòng kiên nhẫn. Đó có thể là phần thưởng cho những nỗ lực của tôi. Tôi sẽ không dừng lại, vẫn còn nhiều mục tiêu phía trước. Trong thể thao không có từ “hôm qua”.
Ai cũng cần một kết quả vào hôm nay và vì thế không thể nghỉ ngơi”. Nhận xét về đồng đội Việt, anh chia sẻ: “Cầu thủ Việt Nam rất chăm chỉ, có tình yêu với đất nước, không sợ hãi, bền bỉ. Điều quan trọng nhất là tất cả luôn cống hiến hết mình. Nước Nga là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng ở Việt Nam tôi được học tinh thần Việt Nam, lối sống Việt Nam. Đôi khi, bố tôi nói rằng tôi còn giống người Việt Nam hơn ông”…
Và bóng đá không chỉ là bóng đá
Rạng sáng 16/12, trên facebook cá nhân, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã chia sẻ hình ảnh bên chiếc Cúp Vàng AFF Cup 2018 cùng lời nhắn nhủ đến bé Tôm: “Các chú giữ lời hứa với Tôm rồi nhé. Mong rằng những điều kỳ diệu sẽ đến với con và gia đình”.
Trên trang facbook, thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng viết những dòng chia sẻ: “Bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá là cuộc sống, là niềm tin là hy vọng. Phép màu là có thật, kỳ tích sẽ xảy ra khi chúng ta có niềm tin và lạc quan. Tôm hãy mạnh mẽ và vững tin con nhé”, thủ môn Bùi Tiến Dũng viết riêng gửi đến Tôm.
Tôm là cậu bé 4 tuổi, nhân vật xuất hiện trong chương trình “Điều ước thứ 7” phát sóng vào 9 giờ sáng ngày 15/12 mang đến câu chuyện nhiều xúc cảm trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia. Quang Hải, Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu và thủ môn Bùi Tiến Dũng đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trước trận đấu nhận lời là những khách mời đặc biệt có mặt trong chương trình này.
Bé Tôm phát hiện mắc bệnh u não ác tính khi mới 33 tháng tuổi. Từ khi phát hiện bệnh, Tôm đã trải qua 16 lần xạ trị, 2 ca giải phẫu lớn, hôn mê gần một tháng. Đoàn Văn Hậu cũng vô cùng xúc động khi chạm tay đến đỉnh vinh quang và giữ trọn lời hứa với cậu bé Tôm. Chàng cầu thủ trẻ hi vọng Tôm sẽ vững vàng vượt lên bệnh tật: “Phải luôn mạnh mẽ nhé Tôm. Lúc nào cũng phải mạnh mẽ chiến đấu và kiên cường lên nhé Tôm. Luôn có một ước mơ”.
Có thể nói, không chỉ bóng đá, các chàng trai trẻ đã chỉ có thể sống đẹp và trưởng thành khi gặp những vị huấn luyện viên tuyệt vời từ xứ sở kim chi. Với ông Park, không quá phô trương, không có cầu thủ chơi tự do, các cầu thủ phải làm thật đúng và thật tốt vị trí của họ. Ai phù hợp với chiến thuật của thế trận thì ra sân.
Qua mỗi trận bóng, ta lại thấy thêm nhiều cầu thủ tỏa sáng. Bóng đá là môn thể thao đồng đội. Không có ngôi sao trong đội bóng, chỉ có ngôi sao duy nhất đặt trước ngực. Các cầu thủ của chúng ta đã chơi bóng với nhau từ nhỏ và họ hiểu hơn ai hết họ chính là những người phù hợp nhất cho những chiến lược của người thầy.
Và xem những video đầy tình cảm của thầy trò HLV Park Hang Seo, ông đã lan tỏa tình thương đó đến các cầu thủ và biến đội tuyển thành một tập thể đầy đoàn kết. Hơn thế, vị huấn luyện viên (HLV) ngoài 60 tuổi, chưa sõi tiếng Việt vẫn còn tôn thờ một thứ gọi là “niềm tin”.
Ông “thổi lửa” sự tự tin đó cho các cầu thủ trẻ tuổi, để họ làm được những điều tưởng chừng không thể. Nhưng bằng sự từng trải của mình, ông muốn kiểm soát sự tự tin của họ để sự tự tin đó không biến thành kiêu ngạo.
Tình cảm ấy, cũng như của HLV Bae Ji-won, ông bày tỏ nhiều xúc cảm sau hơn một năm giữ chức trợ lý thể lực của Đội tuyển Việt Nam: “Đã hơn một năm làm việc ở Việt Nam, nhưng đến khi nói lời từ biệt, tôi mới nhận ra bản thân sẽ phải rời xa những người bạn đặc biệt. Chia tay tuyển Việt Nam là quyết định khó khăn nhất cuộc đời tôi.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp những người mới. Có những người trở nên thân thiết hơn bình thường, dù ban đầu chẳng có dấu hiệu như thế. Khi đó, chúng ta sẽ muốn gặp gỡ họ thường xuyên… Ngòi bút tôi vẫn lăn và đầu óc tôi vẫn lưu giữ từng nụ cười của các cầu thủ. Làm việc cùng họ giúp tôi hạnh phúc.
Những trò đùa, lời trêu chọc giúp chúng tôi thân thiết hơn. Mỗi cầu thủ có óc hài hước riêng và từ đó tôi hiểu được tính cách của họ. Đó là cách chúng tôi vun đắp mối quan hệ. Một số cầu thủ còn gọi tôi là “bố”. Còn tôi cũng được nghe họ kể về bạn gái, thậm chí được chào hỏi mấy cô ấy qua các cuộc gọi video…”.
Và nữa là hình ảnh Quế Ngọc Hải trao lại băng đội trưởng cho đàn anh Văn Quyết trong phút giây đăng quang nhận giải. Trước đó là Công Phượng cõng Văn Toàn ra sân sau trận thắng giòn giã Việt Nam - Campuchia bởi Văn Toàn bị chấn thương không thể thi đấu.
Văn Toàn là bạn thân cùng phòng với Công Phượng ở Hoàng Anh Gia lai từ nhỏ, họ lớn lên cùng nhau và giờ đây họ đã trở thành một trong những trụ cột của bóng đá Việt Nam… Và nữa còn là những hình ảnh đẹp, ấm áp và vô cùng thân thương khi Quang Hải sau rất nhiều cú sút ngoạn mục vào lưới đội bạn, Hải thường theo phản xạ tự nhiên, nhảy lên lưng Công Phượng chia vui trong những khoảnh khắc tuyệt vời ấy!
Và còn rất nhiều những tình bạn đẹp khác, trong thanh xuân rực rỡ của những chàng trai tài năng, bền bỉ và quả cảm. Câu chuyện của các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam và người thầy của họ như một gia đình sẽ còn xa nữa, không chỉ trong đấu trường khu vực...