Ngày 14/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu”.
Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) báo cáo tại hội nghị cho biết: Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp.
|
Ảnh minh họa, |
Hiện nay, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy nên không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền còn gặp nhiều khó khăn như: Không có qui định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền; giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường; giá trúng thầu của các tỉnh chênh lệch nhau nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện để chế biến dược liệu cũng tham dự đấu thầu các vị thuốc cổ truyền...
Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đưa ra ý kiến: Thời gian tới, Bộ Y tế cần nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu; tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu tại các cơ sở kinh doanh dược liệu. Đồng thời, ngành y tế tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao đối với một số dược liệu chủ yếu...
Ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc TW chỉ rõ: Về năng lực kiểm soát chất lượng dược liệu, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khả năng đáp ứng cơ bản các điều kiện về trang thiết bị, hóa chất, dung môi thử nghiệm cho các chỉ tiêu về kiểm nghiệm dược liệu. Bên cạnh đó, dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam không thể kiểm soát được ngay từ đầu nguồn nên có những vi phạm về chất lượng. Vi phạm về dược liệu cũng rất đa dạng: có thể nhầm lẫn về các cây thuốc, không đúng về các bộ phận cây thuốc được sử dụng; hay có các tạp chất, có trường hợp không đúng loài – mặc dù đặc điểm thực vật giống nhưng khi phân tích sâu nó không có các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh.
“Quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý các dược liệu của y học cổ truyền lại càng khó khăn hơn nhiều. Hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải giải quyết trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu. " - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.