Trong suy nghĩ của họ, hướng đến lợi ích của cộng đồng thực sự là việc làm mang nhiều ý nghĩa.
Đường mở đến đâu, nhường đất đến đó
Đến huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang những ngày tháng 8, chúng tôi cảm nhận không khí phấn khởi của người dân địa phương khi tuyến QL17 vừa mới hoàn thành nâng cấp, mở rộng.
Ông Nguyễn Thế Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, để phát huy thế mạnh, hiệu quả của các tuyến đường đã được mở rộng này, huyện đã đề xuất và được tỉnh chấp thuận đầu tư các tuyến đường nối QL17 với QL37 để thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Tận tay chỉ mốc giới thửa đất trước đây của gia đình mình, ông Đồng Văn Bình (SN 1957, trú tại thôn Kim Tràng, xã Việt Lập) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 thửa đất ở nằm 2 bên QL17.
Ngay khi được chính quyền địa phương đến tuyên truyền chủ trương, vận động, gia đình tôi đã đồng ý ngay. Ngày đơn vị thi công đến làm đường, tôi tự tay cầm dây, cùng lãnh đạo thôn, xã xác định mốc giới mà không quan tâm dự án đã lấy bao nhiêu đất của mình.
Đến nay, tôi cũng chỉ biết tổng chiều dài các thửa đất của gia đình là 204m, đường mở rộng đến đâu, gia đình sẵn sàng nhường đất đến đó”.
Được biết, từ năm 1980 đến nay, gia đình ông cũng đã 3 lần hiến đất mở rộng tuyến đường này với tổng diện tích hơn 1.000m2.
Thống kê từ UBND xã Việt Lập cho thấy, QL17 qua địa bàn dài 4,4km, chạy qua 5 thôn. Ngay khi triển khai dự án, huyện đã đề ra chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường.
Theo đó, xã đã thành lập các tổ công tác GPMB vào cuộc vận động nhân dân hiến đất. Ban đầu, công tác vận động gặp nhiều khó khăn do tâm lý so bì, ỷ lại của người dân khi cùng trong dự án, có hộ được bồi thường, hộ lại không.
Tuy nhiên, sau tấm gương hiến đất làm đường của gia đình ông Đồng Văn Bình được tuyên truyền rộng rãi, toàn xã đã có 333 hộ dân tham gia hiến tổng diện tích là 3ha đất ở và đất nông nghiệp để mở rộng đường. 100% các hộ có đất trong dự án đều đã nhường đất, tuyến đường cũng đã được mở rộng từ 5,5m lên 11m. Trong đó, nhiều người hiến tới cả nghìn m2.
Không chỉ xã Việt Lập, nhằm tạo điều kiện cho dự án mở rộng QL17 qua địa bàn huyện Tân Yên, đến nay đã có 29 hộ dân xã Cao Xá hiến 1.945,5m2, 17 hộ tại thị trấn Cao Thượng hiến 639,5m2, 14 hộ tại thị trấn Nhã Nam hiến 1.084,6m2 và gần 400 hộ dân xã Liên Sơn đã hiến gần 2,6ha.
Theo ông Nguyễn Thế Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Yên, theo quy định, huyện sẽ phải bồi thường, GPMB, bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Bắc Giang để thi công, mở rộng QL17.
Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn, huyện đã thống nhất chủ trương vận động người dân cùng hiến đất và được các hộ đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, đến nay, tuyến đường đã hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của người dân.
Theo UBND huyện Tân Yên, cũng với cách làm trên, trong năm 2019, đã có gần 500 hộ và hơn 20.000m2 đất ở, đất trồng lúa tại các xã Việt Ngọc, Ngọc Thiện và Ngọc Vân đã được người dân hiến để mở rộng mặt TL295 qua địa bàn huyện từ 5m lên 8m.
Ban đầu, chủ trương vận động người dân hiến đất không được nhiều người hưởng ứng vì thời điểm đó mỗi m2 đất thổ cư đều có giá từ 12 - 15 triệu đồng. Nhiều hộ mới mua đất, diện tích nằm trong dự án lên đến cả nghìn m2 nên còn băn khoăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể, người dân đã đồng thuận rất cao.
“Chỉ muốn có đường to, ngõ lớn”
Còn tại tỉnh Quảng Nam, trước thực trạng mặt đường tuyến QL14E đoạn cuối tuyến qua xã Bình Minh, huyện Thăng Bình xuống cấp, hư hỏng nhiều năm, ngay khi tỉnh có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn cuối QL14E, nhiều hộ dân đến gặp lãnh đạo chính quyền địa phương bày tỏ tha thiết ý nguyện được hiến đất mở đường.
Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải, không chỉ tự nguyện phá tường rào hiến gần 30m2 đất vườn, mà còn không mảy may đến tiền đền bù, tự bỏ tiền ra thuê người tháo bỏ mái che sân nhà vừa mới xây dựng mất 40 triệu đồng, bàn giao mặt bằng thi công.
“Nhà cửa, ruộng vườn có thể nhỏ hẹp đi một chút cũng được, nhưng bù lại sẽ có đường to, rộng rãi, đi lại thuận lợi, nỗi lo TNGT sẽ không còn. Không những vậy, một khi đoạn đường này được nâng cấp, mở rộng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh doanh, du lịch cho bãi tắm Bình Minh. Khi đó, người dân chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ tuyến đường mang lại, công ăn việc làm, thu nhập sẽ được mở ra, tăng lên”, bà Hải tươi cười.
Không chỉ hiến đất ở, đất vườn, người dân địa phương cũng đồng thuận hiến đất nhà thờ tộc làm đường. Điển hình như tộc họ Trương Công phá dỡ cả công trình cổng nhà thờ, dời tường rào bàn giao mặt bằng xây dựng tuyến QL14E.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, khi có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 60 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường đã thực hiện tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo bà Hoa, trước đó, khi triển khai xây dựng tuyến đường giao thông ĐT613 đến bến cá Tân An (xã Bình Minh), hơn 100 hộ dân thuộc tổ dân phố 2, 3 (thôn Tân An) cũng đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc.
Không riêng gì ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình), ở huyện Duy Xuyên thời gian qua cũng có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, làm các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cho biết: Ngay sau khi có chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến ĐH4 (nối xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên - phường Cẩm Kim, thành phố Hội An) đã có 80 hộ dân hiến 2.500m2 đất ở, 1.800m2 đất nông nghiệp để làm đường.
Ông Sáu chia sẻ: “Đối với người nông dân, họ xem «tấc đất như tấc vàng», nhưng không vì thế mà người dân không biết hy sinh lợi ích cá nhân. Bao đời nay, người dân ở đây luôn sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước, bởi thế, khi thấy việc làm đường vì lợi ích chung, vì tương lai con cháu, nên họ không ngần ngại hiến đất, thậm chí đất hương hỏa ông bà.
(Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/khi-nguoi-dan-dong-long-hien-dat-mo-duong-d522795.html)
Tags: