Sau khi Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua. Để khắc phục, cơ quan chức năng đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để gỡ “bài toán” chất lượng của sầu riêng.
 |
Sầu riêng Việt Nam giảm 80% lượng xuất khẩu sang Trung Quốc so với cùng kì vì nhiễm chất vàng O |
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thu về khoảng 3,21 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023, gấp 7,8 lần kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (năm đầu tiên sầu riêng Việt được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng từ đầu năm đến giữa tháng 2/2025 của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được cho là do Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng với chất vàng O và Cadimi trên sầu riêng.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp bổ sung yêu cầu các lô hàng trái cây trước khi xuất khẩu phải có kết quả phân tích một số hoạt chất mà phía Trung Quốc quan tâm, đồng thời các phòng kiểm nghiệm hoạt chất này phải được phía Trung Quốc công nhận.
Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 9 phòng thí nghiệm kiểm tra chất vàng O, tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát nghiêm ngặt các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam. Ngoài yêu cầu các lô hàng sầu riêng phải có thêm giấy kiểm định dư lượng Cadimi và chất vàng O (áp dụng từ ngày 10/01), phía Trung Quốc cũng kiểm tra 100% các lô hàng, nếu đạt chuẩn mới được thông quan.
Thông tin về việc này, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, ngoài 9 phòng kiểm định được Trung Quốc công nhận, Bộ đã gửi thêm 6 hồ sơ để phía bạn phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh sầu riêng cùng nhiều loại trái cây Việt Nam đang thu hoạch và sắp thu hoạch.
 |
Cần có giải pháp đồng bộ cho sầu riêng Việt Nam để không tiếp tục rơi vào tình trạng kêu gọi cộng đồng "giải cứu" tái diễn |
Với nguyên tắc không vì thiếu các phòng kiểm nghiệm, không vì lượng mẫu xét nghiệm quá lớn mà gây ùn ứ, ách tắc việc xuất khẩu, Bộ đã chỉ đạo bổ sung, củng cố nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000 - 75.000ha), tỷ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao.
Trước một số biện pháp bổ sung đối với các loại trái cây Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các cục chuyên ngành phối hợp với các địa phương triển khai ngay các mô hình quản lý an toàn thực phẩm nông sản, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Chất vàng O hay chất cấm Aurmine là một chất nhuộm vải. Chất này đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Chất này dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 42/2015/TT BNNPTNT về danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Trong đó, bổ sung chất vàng ô vào danh mục cấm sử dụng. |
Đồng thời, yêu cầu các cục chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý nghiêm các hành vi như sử dụng giấy chứng thư kiểm dịch thực vật giả, làm giả các kết quả kiểm nghiệm để làm thủ tục thông quan. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nếu bạn phát hiện vi phạm, cảnh báo lô hàng nào, phía Việt Nam sẽ lập tức thu hồi, dừng xuất khẩu các mã số vi phạm.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật (xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục) gửi Trung Quốc và hai bên cùng đàm phán để làm sao quay lại thực hiện theo Nghị định thư mà hai nước đã ký kết, khi đó xuất khẩu sầu riêng không phải áp dụng các biện pháp bổ sung như hiện nay nữa.
Đồng thời, Bộ cũng đang chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và triển khai ngay chương trình giám sát dư lượng các hoạt chất cho tổng thể các vùng trái cây xuất khẩu và trọng tâm là phải kiểm soát tại gốc nông sản, trái cây xuất khẩu.
Đài Loan bắt đầu kiểm tra các lô sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) cho biết, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) vừa có công văn gửi các hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông báo về việc cơ quan này sẽ gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra từng lô sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam đến hết ngày 30/04/2025. Vì vậy, TFDA đã kêu gọi các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông báo của tổ chức này cũng cho biết nếu trước khi biện pháp kiểm tra trên hết hiệu lực, sau khi đánh giá thấy cần thiết phải gia hạn thời gian kiểm soát, Đài Loan sẽ công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này mà không ra thông báo riêng. |