Ứớc tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023, hiện đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng Ba, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023, hiện đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm:
|
INFOGRAPHICS - NHỮNG CƠ QUAN, TỈNH/TP NÀO CÓ TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TỐT NHẤT |
Trong khi đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Cụ thể, vẫn còn địa phương chưa giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án thành phần được giao quản lý.
Bộ Tài chính cũng xác định vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được khắc phục do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, với trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
|
Ảnh minh hoạ. |
Liên quan đến nguồn vật liệu cho thi công, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Bộ Tài chính cho biết, trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các CTMTQG và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024./.