Đây là một trong những thông tin đã được trao đổi liên quan đến tình hình giải ngân đầu tư công của thành phố tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM diễn ra hôm qua (ngày 3/10).
|
Tiến độ giải ngân dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm chưa đạt. (Ảnh: Vnexpress) |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, thành phố chỉ mới giải ngân được hơn 20%. Trong tổng số 249.000 tỉ đồng, Thành phố phải giải ngân trong kỳ trung hạn 2021-2025, có 49% số vốn được giao giữa kỳ trung hạn.
Thông thường, đối với các địa phương khác, toàn bộ số vốn trong kỳ trung hạn được giao trong đầu kỳ, nhưng đối với TP HCM, sau khi có Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, được cấp bổ sung thêm số vốn là 107.000 tỉ đồng và số vốn này được giao vào cuối năm 2023.
Việc giải ngân đối với các dự án được giao vốn từ đầu kỳ đều đang đạt tiến độ thời gian. Đối với những dự án dùng vốn 107.000 tỉ đồng được bổ sung vào cuối năm 2023, thì phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.
Trong số 79.000 tỉ đồng cần giải ngân trong năm 2024, thì có 33.000 tỉ đồng là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, chiếm 38%. Từ đầu năm 2024, thành phố đã lập kế hoạch, thực hiện thủ tục để giải ngân phần vốn này vào quý 3 năm 2024, nhưng khi Luật Đất đai điều chỉnh thời gian có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân số vốn này, dẫn đến phần tiền dự kiến giải ngân cho giải phóng mặt bằng đạt rất ít.
Các dự án thực hiện đến thời điểm phải bồi thường giải phóng mặt bằng, thành phố phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng khi tính theo quy định mới.
|
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: UBND TP HCM) |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tham mưu cho UBND TP HCM thực hiện hàng loạt giải pháp để triển khai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chẳng hạn như xác định chi tiết cụ thể khó khăn, vướng mắc về nhiệm vụ đối với từng dự án ở từng sở, ngành; xác định tiến độ xử lý với từng việc, từng đơn vị.
Theo, Chánh Văn Phòng UBND TP HCM Đặng Quốc Toàn cho biết, tốc độ giải ngân đầu tư công của Thành phố còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đối với lĩnh vực đầu tư công hoặc các lĩnh vực khác, khi tình hình triển khai không được tốt thì đều phải xem xét lại nguyên nhân gồm cả chủ quan và khách quan, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, tập thể… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, tùy theo mức độ để có biện pháp xử lý và hoặc bố trí nhân lực để thực hiện tốt việc giải ngân đầu tư công trong thời gian tới. Hiện nay Thành phố đang rất nỗ lực để đạt chỉ tiêu giải ngân 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch đã đề ra.
"Hiện thành phố đang tập trung để hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều dự án, trong đó một số dự án khác dự kiến sẽ hoàn thành từ nay tới cuối năm. Thành phố cũng đang tích cực chuẩn bị hồ sơ triển khai dự án đường Vành đai 4 và hệ thống đường sắt đô thị. Lãnh đạo TP HCM đang sắp xếp, bố trí nhân lực để thành chỉ tiêu đầu tư công năm 2024 và các năm tới" - ông Toàn cho biết thêm.
Trước đó, tại phiên họp kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, giải ngân đầu tư công sẽ nâng các chỉ số phát triển khác của thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành liên quan.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, năm trước thành phố đã kiểm điểm và cam kết về đảm bảo tiến độ đầu tư công. Do đó năm nay các chủ đầu tư, người đứng đầu sở ngành cần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có vấn đề khó khăn, đơn vị liên quan cần báo cáo Chủ tịch TP HCM hoặc Bí thư Thành ủy "bất kể ngày đêm" nhằm quyết tâm đạt nhiệm vụ giải ngân đầu tư công.