UBND tỉnh Bình Dương vừa khởi công xây dựng Dự án nhà ga metro với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Dự án này không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là biểu tượng của sự kết nối 2 vùng kinh tế động lực phía Nam là TP HCM - Bình Dương, tạo dấu ấn mở đầu sự chuyển mình mạnh mẽ cho chặng đường phát triển phía trước.
Kết nối 2 vùng động lực
Theo UBND tỉnh Bình Dương, thành phố mới Bình Dương trải rộng trên quy mô 1.000 ha, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị 4.196 ha. Nhìn từ trên cao, diện tích của khu vực này phần lớn là cây xanh với điểm nhấn là công viên trung tâm rộng hơn 70 ha với hồ nước, khu vui chơi, bãi cỏ...
|
Nhà ga trung tâm A1 đang được xây dựng tại vòng xoay A1 rộng 7 ha, thuộc thành phố mới Bình Dương. |
Đây cũng là nơi tập trung nhiều công trình lớn, nổi bật là tòa tháp đôi Trung tâm hành chính cao 21 tầng, tòa nhà văn phòng WTC Tower, công viên trung tâm, khu thương mại Hikari... tất cả cùng tạo nên một đô thị thông minh của Việt Nam.
Với ưu điểm quỹ đất rộng và hạ tầng công nghiệp được đầu tư bài bản thì sự xuất hiện của dự án nhà ga metro có tổng mức đầu tư lên đến 2.400 tỷ đồng, đang được gấp rút triển khai tại vòng xoay A1 rộng 7 ha, thuộc thành phố mới Bình Dương giúp cho sự liên kết giữa 2 vùng động lực cực kỳ thuận lợi.
Cụ thể, dự án có tổng diện tích 5.800 m2, nhà ga này được kỳ vọng trở thành điểm kết nối quan trọng của tuyến metro Suối Tiên – Bình Dương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giao thông của tỉnh. Dự án không chỉ đơn thuần là xây dựng một nhà ga, mà còn bao gồm cả việc phát triển một khu phức hợp đa chức năng với trung tâm thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, và quảng trường rộng lớn. Đây sẽ là không gian công cộng lý tưởng cho các hoạt động văn hóa, giải trí và thương mại, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách.
|
Dự án sẽ được thi công trong vòng 18 tháng, hiện nay khu vực dự án đã được ép cọc để chuẩn bị xây dựng. |
Dự án do Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị chủ đầu tư, với cam kết sẽ hoàn thành công trình trong vòng 18 tháng. Khi đi vào hoạt động, nhà ga metro Bình Dương dự kiến sẽ phục vụ khoảng 14.700 hành khách và tạo công ăn việc làm cho 1.630 người.
Ông Giang Quốc Dũng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (vốn Nhà nước chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương), đại diện chủ đầu tư - cho biết: Nhà ga tại vòng xoay sẽ đồng bộ với việc "nối dài" tuyến metro từ TP.HCM về Bình Dương. Hiện tuyến metro nối dài này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, nhưng về cơ bản điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay 7ha. Các dự án tại vòng xoay này được thực hiện theo mô hình TOD, nghĩa là phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng.
Dự án quan trọng nhất khu vực phía Nam
Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án này thuộc Dự án tuyến metro Suối Tiên – Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 30 km, với điểm đầu là ga Suối Tiên thuộc TP.HCM và điểm cuối là vòng xoay A1 tại Bình Dương. Đây là tuyến metro đầu tiên kết nối trực tiếp hai trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho cả hai địa phương. Tuyến metro này được xem là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhất của khu vực. Khi hoàn thành, nó sẽ giúp giảm tải đáng kể áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và phát triển kinh tế.
|
Dự án này là trung tâm phức hợp đa chức năng, bao gồm trung tâm thương mại, hội trường đa năng, nhà ga metro trung tâm, các cửa hàng bán lẻ và quảng trường. |
Sự xuất hiện của nhà ga metro tại Bình Dương không chỉ mang ý nghĩa về mặt giao thông mà còn hứa hẹn tạo ra những tác động tích cực sâu rộng đến sự phát triển của tỉnh. Bởi khu vực vòng xoay A1 quy hoạch có chức năng hơn cả một nhà ga, và là một biểu tượng mới của thành phố mới Bình Dương. Trong đó có các khu phức hợp đa chức năng với nhiều tiện ích và dịch vụ như trung tâm thương mại, nhà thi đấu đa năng, quảng trường và các công trình công cộng khác.
Điểm nhấn của vòng xoay A1 là quảng trường rộng lớn, có sức chứa từ 4.000 đến 10.000 người. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí và lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Bên cạnh đó, nhà thi đấu đa năng với sức chứa 4.000 người sẽ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động thể thao và biểu diễn nghệ thuật.
Theo đánh giá của chủ đầu tư, dự án này đi vào hoạt động, ngoài việc tăng cường kết nối vùng, tuyến metro Suối Tiên – Bình Dương còn tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa Bình Dương và TP.HCM, cũng như các tỉnh lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả khu vực. Các khu vực lân cận nhà ga cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Dự án còn nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ những tiện ích hiện đại và không gian công cộng chất lượng, tạo sự hấp dẫn cho đô thị, góp phần định hình một mô hình phát triển đô thị bền vững, tập trung vào giao thông công cộng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bốn dự án đường bộ gia tăng kết
Để tăng cường kết nối liên vùng, nâng cao hiệu quả dự án nhà ga Metro, tỉnh Bình Dương liên kết với các tỉnh, thành lân cận, thi công 4 dự án đường bộ, là trục giao thông huyết mạch, đấu nối, kết nối với dự án đường sắt đô thị TP. HCM – Bình Dương.
|
Tuyến metro Suối Tiên – Bình Dương còn tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa Bình Dương và TP.HCM. |
Theo phương án đưa ra, Metro số 1 từ ga bến xe Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, TPHCM) sẽ được xây dựng thêm đoạn đi trên cao bên phải Quốc lộ 1, sau đó rẽ trái nối ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Ở khu vực trên, tuyến metro chia làm hai nhánh. Một nhánh đi Bình Dương dài gần 30 km, xây trên cao. Từ ga S0, tuyến chạy qua đường ĐT.742, nút giao Bình Chuẩn và đi bên trái dọc theo đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Tuyến sau đó chuyển hướng vào giữa đường DX01 và đường Hùng Vương vào trung tâm hành chính TP Thủ Dầu Một để về Depot tại phường Phú Chánh (TP Tân Uyên).
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án mở rộng Quốc lộ 13, đường dẫn cao tốc TPHCM – Chơn Thành, Vành đai 3 và kéo dài Metro số 1 giúp tăng kết nối TPHCM và Bình Dương.
Theo đánh giá của Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Bình Dương, Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch của TPHCM, là cửa ngõ thông thương giữa TPHCM với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương đang mở rộng lên 8 làn xe, còn đoạn qua TPHCM hiện chỉ 4 – 6 làn xe, tạo “nút thắt cổ chai” gây kẹt xe. Cùng với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng Quốc lộ 13 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện.
|
Quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương đang mở rộng lên 8 làn xe. |
Tiếp đó, dự án Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, dài gần 6km, sẽ được mở rộng lên 53 – 60m, tổng vốn gần 14.000 tỉ đồng cũng đã được Sở GTVT TPHCM thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Dự án thứ 2 là Đường dẫn cao tốc TPHCM – Chơn Thành dài gần 55km, nối TPHCM với hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, có điểm đầu cao tốc kết nối với Vành đai 3 qua Bình Dương. Từ điểm này, đoạn đường dẫn sẽ được xây dựng nối đến nút giao Gò Dưa (thuộc Vành đai 2 TPHCM), tổng chiều dài gần 9km. Trong đó, 1,65km đi qua địa bàn TPHCM, kết nối từ nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) dọc theo đường Bình Chiểu đến đường ĐT 743 sang Bình Dương. Dự kiến tuyến này có mức đầu tư 3.300 tỷ đồng đầu tư đoạn đường dẫn cao tốc này rộng 60m, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2028.
Dự án thứ 3 là đường Vành đai 3 TP. HCM đi qua bốn địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án có chiều hơn 76km, với tổng mức đầu tư dự án hơn 75.300 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Công trình đã được các địa phương khởi công từ tháng 6/2023, với kỳ vọng cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Dự án thứ 4 là thi công kéo dài Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức). Dự án hiện đạt hơn 98%, dự kiến vận hành thương mại cuối năm nay. Hiện TPHCM đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Bình Dương khẩn trương hoàn thiện.
Cơ hội cho ngành logistics Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống metro kết nối khu vực sẽ bao gồm 8 tuyến lớn, trong đó có các tuyến như Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP. HCM - Cần Thơ, TP. HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP. HCM - Tây Ninh, và các tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối với cảng Hiệp Phước. Bình Dương lựa chọn xây dựng đường sắt đô thị là giải pháp tối ưu để khép kín các trục đô thị xuyên tâm và các trục đường vành đai chính. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong hệ sinh thái giao thông xanh theo tầm nhìn đến 2050 đã hoạch định. Bộ GTVTđánh giá, với vai trò quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án đường sắt đô thị của là Bình Dương là nền tảng giúp các tỉnh Đông Nam Bộ hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam. Hiện nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD (cảng cạn) và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa, 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (kho lưu hàng nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu sản xuất và phân phối hàng hóa trong khu vực. Dự báo sau khi dự án đường sắt đô thị đi vào hoạt động, năng lực của ngành logistics sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ. |