Thông tin từ VASEP cho hay, lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu kim ngạch XK tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm với.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 10/2024, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.
Về thị trường tiêu thụ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 10 năm nay đạt 91 triệu USD, tăng 44%.
Tính lũy kế tới tháng 10/2024, XK tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ.
XK tôm sang thị trường này khả quan hơn, đặc biệt XK mặt hàng tôm hùm tăng mạnh 157% đạt 298 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy NK hàng hóa vào thị trường này.
|
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD. Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD năm 2024 nằm trong tầm với. (Ảnh minh hoạ/internet). |
Mỹ là thị trường XK tôm thứ 2 của Việt Nam, trong tháng 10 năm nay đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17%.
Lũy kế 10 tháng, XK tôm sang thị trường này thu về 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tại 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, XK tôm Việt Nam trong tháng 10 sang 2 thị trường này cũng ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt 18% và 28%, sau khi lên xuống thất thường trong những tháng trước đó.
Ngoài ra, XK tôm Việt Nam sang EU tăng 32% trong tháng 10, lũy kế 10 tháng, kim ngạch XK đạt 408 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Nhu cầu nhập khẩu (NK) tôm Việt Nam của thị trường EU khá ổn định trong năm nay, tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4 năm nay.
Số liệu XK tôm 10 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu khả quan ở từng thị trường NK. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định.
Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.
Tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo VASEP, năm 2023, biến động kinh tế, địa chính trị thế giới, lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu NK tôm từ các thị trường chính giảm.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm toàn cầu tăng, XK tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh.
Năm 2024, tất cả các yếu tố bất lợi trên đều đã có sự thay đổi tích cực hơn như: Lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu NK từ các thị trường chính tăng, sản lượng tôm không tăng “nóng” như năm trước, giá tôm thế giới có chiều hướng tăng.
XK tôm của Việt Nam mặc dù còn đối mặt với những thách thức nội tại và khách quan nhưng cũng đã ghi nhận kết quả XK đáng khích lệ.
Mục tiêu kim ngạch XK tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm với.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới (cùng với Ecuado, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia). Năm quốc gia này cung ứng 74% sản lượng tôm cho toàn cầu. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện diện tích nuôi tôm của cả nước đạt khoảng 737.000 ha. Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm cả nước sẽ đạt 750.000 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Riêng trong năm 2024, ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 - 4,3 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, có thể nói mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD là vô cùng khó khăn. |