Hơn 100 người đến dự phiên tòa với tư cách là bị hại, tuy nhiên tất cả đều phản đối bản luận tội của VKS và bảo vệ cho hai bị cáo.
Bị hại một mực bảo vệ bị cáo
Bị bắt tạm giam 4 tháng với tội danh “Lạm quyền khi thi hành công vụ”, khi tiến hành đưa vụ án ra xét xử, các bị hại đã có những phản ứng trái chiều với bản luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang và cho rằng bị cáo không có tội.
Hơn 100 hộ dân tại xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) sau khi nhận được bản kết luận điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã xác nhận hai bị cáo không có tội mà ngược lại còn có mục đích phát triển bê tông hóa các công trình tại địa phương, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Theo đó: Vào ngày 17/11/2015, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang đưa vụ án “Lạm quyền trong thi hành công vụ ra xét xử”, sau 4 ngày tiền hành các trình tự xét xử, cơ quan chức năng đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án.
|
Hơn 100 hộ dân được cho là bị hại rời phiên tòa sau khi HĐXX tuyên trả lại hồ sơ vụ án. |
Đặc biệt, hơn 100 hộ dân được cho là bị hại tại phiên tòa đã “chuyển hướng” bảo vệ cho hai bị cáo, vì cho rằng bị cáo làm là với mục đích phục vụ cộng đồng.
Đồng thời các bị hại yêu cầu HĐXX tuyên vô tội với hai bị cáo, và VKS Nhân dân tỉnh Bắc Giang bác bỏ bản kết tội đối với hai bị cáo này.
Hai bị cáo bị truy tố tội danh “Lạm quyền trong thi hành công vụ” là Thân Văn Tư (Trưởng thôn Yên Sơn) và Nguyễn Đức Sổ (Phó thôn, Kiêm kế toán thôn Yên Sơn).
Bản cáo trạng số 06/KSĐT-KTCV của VKS Nhân dân tỉnh Bắc Giang có nêu: Thân Văn Tư (SN 1960) là trưởng thôn và Nguyễn Đức Sổ (SN 1981) là phó thôn kiêm kế toán thông Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang các nhiệm kỳ từ 2005 đến 2011.
|
Hơn 100 là đơn đề nghị khẩn cấp của các hộ dân xã Nghĩa Trung gửi đến Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang. |
Trong các năm 2005 đến 2009 sau khi nhận được các quyết định về việc giao đất ở cho các nhân dân ở thôn Yên Sơn của UBND huyện Việt Yên, Thân Văn Tư đã vượt quá quyền hạn tổ chức họp với các hộ dân để thống nhất chủ trương thu giá đất cao hơn so với giá đất trong quyết định và chi trả tiền bồi thuờng giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị thu hồi đất cao hơn so với mức giá bồi thường trong quyết định của UBND huyện Việt Yên; tự ý tách lô số đất được cấp để tăng số đất bán lấy tiền.
Số tiền chênh lệch đã được nhập vào quỹ thôn để chi tiêu các công việc chung: Xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa kênh mương nội đồng, trả lợ cũ…Nguyễn Đức Sổ đã giúp sức đắc lực cho Thân Văn Tư trong việc thực hiện các quyết định trên.
Phạm tội vì thu tiền do người dân tự đóng góp
Tại diễn biến của 4 phiên xét xử diễn ra vào các ngày từ 17 đến ngày 20/11/2015, qua các trình tự xét xử, VKS vẫn giữ nguyên bản luận tội đối với Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ.
Tại phần tranh luận, Luật sư bào chữa cho hai bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ đã có màn đối đáp “này lửa” VKS Nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc làm rõ những yếu tố được cho là manh tính chất thiệt hại trong vụ án mà vị đại diện VKS đưa ra kết tội đối với hai bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ.
|
Phần phiếu thu ghi hai nội dung, trong đó có phần dân tự đóng góp. |
Theo quan điểm bào chữa của luật sư Nguyễn Minh Long, đại diện bào chữa cho hai bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ nêu, cả hai bị cáo bị truy tố với tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 282 Bộ luật hình sự. Căn cứ vào khoản 1 Điều 282, Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi bổ sung năm 2009), tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” được định nghĩa như sau:
“Lạm quyền trong thì hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
Qua phần định nghĩa về tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, luật sư Nguyễn Minh Long đặt ra câu hỏi, hành vi của các bị cáo đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trong định nghĩa hay chưa?.
|
Danh sách các hộ dân nộp tiền cũng ghi rõ phần tự đóng góp. |
Vị đại diện bào chữa cho hai bị cáo cũng đưa ra quan điểm, việc làm của hai bị cáo Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ đối với nhân dân thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, không vì vụ lợi, hay động có cá nhân khác mà hoàn toàn vì mong muốn tự nguyện và vì lợi ích của toàn thể nhân dân trong thôn.
Điều này được thể hiện rõ qua các phiếu thu chi được lưu thể hiện số tiền thu đóng góp xây dựng thôn, được kế toán Hoàng Đức Sổ ghi rõ trong các phiếu thu do người dân “tự đóng góp” để tiến hành xây dựng bê tông hóa đường làng, ngõ xóm nhà văn hóa, về hệ thông kênh mương hóa nội đồng.
Bên cạnh đó, trong các Quyết định số 179, về phương án thu tiền đất giãn dân thôn Yên Sơn từ năm 2005 nêu rõ trong phần mức giá thu có trình bãy rõ phần thu giá sàn quy định và một phần do các hộ dân tự nguyện đóng góp để xây dựng nông thôn.
Tại phần tranh luận giữa VKS nhân dân tỉnh Bắc Giang với đại diện bào chữa cho hai bị cáo diễn ra căng thẳng khi vị đại diện VKS cho rằng, hành vi phạm tội của Thân Văn Tư và Nguyễn Đức Sổ đã gây thiệt hại nhất định.
Tuy nhiên, khi phía luật sư yêu cầu vị đại diện VKS chứng minh thiệt hại thì vị đại điện VKS cho rằng “Căn cứ vào các lời khai của bị hại, quan điểm của vị đại diện VKS là những hành vi của hai bị cáo là sai, còn thiệt hại hay không là do nhận thức của người dân”.
“Người dân cho rằng mình không thiệt hại là quyền phủ quyết của mỗi người”. Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng xác định có thiệt hại và cho rằng, trong vụ này có hai yếu tố thiệt hại đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần”, đại diện VKS đưa ra quan điểm.
Đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng VKS cần căn cứ vào những lời khai xác thực của những người được cho là bị hại tại phiên tòa. Không thể căn cứ vào các lời khai trước đó để kết tội bị cáo, bởi lẽ các lời khai của những người được cho là bị hại tại phiên tòa có giá trị pháp lý cuối cùng nhằm căn cứ, xem xét để HĐXX tuyên án.
Luật sư cũng viện dẫn, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã đưa ra kết luận về vụ án cho thấy ông Thân Văn Tư không tham ô. Việc ông Tư làm cũng không phải vì lợi ích cá nhân, không phải lợi ích nhóm mà là lợi ích cho cộng đồng.
Luật sư khẳng định trong vụ án này không có bị hại vì không có thiệt hại về vật chất hay tinh thần. Đồng thời vị đại diện bào chữa cho các bị cáo đã yêu cầu HĐXX thay đổi vai trò của những người liên quan đến vụ án tại tòa.
Luật sư khẳng định việc làm của hai bị cáo đã được thông qua bằng các nghị quyết đã được ban hành. Nói về vấn đề lợi ích nhóm, luật sư cho rằng lợi ích nhóm ở đây là lợi ích chung của nhân dân.
Sáng 24/11, hàng trăm người dân xã Nghĩa Trung đã đi quãng đường hàng chục cây số để đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của vụ án, trong phiên xét xử sáng ngày 24/11. HĐXX đã thông báo trả hồ sơ để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án.
Phapluatplus sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.