Trong khuôn viên nhỏ hẹp vùng ngoại thành Hà Nội, đình làng Trung Vực Ngoài, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đang lưu giữ một vật báu mà ít nơi nào có được.
Đình thiêng bảo vệ dân làng.
Cách trung tâm thủ đô chừng 30 km về phía Tây Nam, đình làng Trung Vực Ngoài, tọa lạc ngay trung tâm của xã, như một chứng tích cho đời sống cộng đồng của cư dân nông thôn, mang trong mình những câu chuyện vẫn chưa có lời giải thích.
Đình này thiêng lắm, vừa mới về đến làng đã nghe nhiều người dân say xưa kể lại về những điều ly kì đến "nổi da gà" xung quanh ngôi đình.
Đình làng Trung Vực Ngoài có từ bao giờ thì không nhớ rõ, nhưng những câu chuyện huyền tích từ thủa xa xưa thì ai ai cũng có thể kể ra vanh vách.
|
Cổng vào đình làng Trung Vực Ngoài mới được phục dựng lại. |
Theo tương truyền, trong một trận Đại hồng thủy, sóng nước cuồn cuộn đổ về nơi đây, người dân phải đi di tản hết. Bỗng dưng có một bè gỗ lớn được cuốn về ngự ở khu đất của đình bây giờ. Người dân thấy đó là điềm lành nên huy động cả làng, cả tổng hợp sức vớt gỗ để xây đình.
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, để xây dựng cơ quan công quyền, ngôi đình bị phá dỡ để làm hội trường ủy ban. Thế nhưng, có một sự trùng hợp kỳ lạ khiến người dân xôn xao bàn tán cả nửa thế kỷ nay, đó là chuyện những người trực tiếp tham gia phá đình làng thời kỳ ấy, họ đều phải lĩnh một kết cục không mấy tốt đẹp,
Người thì bỗng dưng bị tàn tật, người thị bị ốm đau hàng chục năm mà không tài nào phát hiện ra bệnh... Chuyện tưởng chừng hư cấu nhưng ai cũng lẳng lặng lắng nghe.
|
Khuôn viên ngôi đình đang bị xuống cấp. |
Ông Nguyễn Hữu Bìa, năm nay ông 85 tuổi, làm công việc trông coi đình làng từ năm 1996 đến nay cho biết: Đình làng Trung Vực ngoài hiện tại thờ ngài Đông Hải Đại Vương.
Trước đây đình thuộc đình hàng tổng (tổng Quảng Bị, huyện Chương Đức). Đình xưa tọa lạc trong không gian có diện tích lên đến 4 mẫu ruộng.
Hiện tại trong đình vẫn còn 24 đạo sắc phong nhưng 3 đạo sắc phong đã bị mục lát theo thời gian nên, giờ chỉ còn 21 đạo sắc có thể xem được.
Trong không gian tĩnh lặng, hồi tưởng về ngôi đình làng mình, ông Bìa thuật lại: "Tính ra tôi trông đình đã đươc 20 năm nay rồi. Trước đây đình làng tôi đẹp lắm, thuộc đình hàng Tổng và cũng là nơi dành cho bộ đội đóng quân, là nơi làm kho thuốc nổ giai đoạn chống Pháp.
Đình làng trước đây được thiết kế theo hình chữ đinh, 5 gian, hai bên trước và sau có hai dãy tả mạt, bên ngoài có hai cột đồng trụ, trước có kẻ vẽ Long Ly Quy Phượng tuyệt đẹp.
Trong đình còn có hồ bán nguyệt, mọi người hay gọi là ao rối vì trước đây hồ là nơi tổ chức các hoạt động múa rối nước, có mời các vị quan tổng về xem.
Tuy nhiên, trước đây để thiết kế làm cơ quan hành chính nhà nước, đình đã bị phá đi để làm hội trường Ủy ban nhân dân. Mãi đến năm 2004 Ủy ban nhân dân xã được xây mới, nên khu đất này được trả cho đình, lúc đó đình mới xây dựng lại được khu thượng cung"
|
Thượng cung mới được xây dựng lại trên nền đất của đình xưa. |
Ông Bìa kể hết về những sự chuyện mà chính ông cũng có lần chứng kiến. Ông kể: Về tích giao long, hay chuyện đang đêm có rắn mào về quấn quanh bát nhang của đình, còn cả những chuyện mà ai đó lỡ rắp tâm xâm hại đến đình thì sẽ lập tức gặp quả báo, nhẹ thì tàn tật, nặng thì gia đình gặp chuyện chẳng lành.
Nhiều người cho đó là chuyện mê tín, không tin, vì có thể là chuyện thêu dệt, nhưng chắc chắn một điều là ở nơi đây đang lưu giữ một báu vật mà dân làng ai ai cũng biết đến.
Báu vật giữa chốn thôn quê.
Gác lại những câu chuyện mang màu sắc liêu trai kỳ bí quanh ngôi đình, tìm đến báu vật có "một không hai" đang được lưu giữ trong đình.
Trầm trồ kể về chiếc kiệu cổ của làng mà hễ ai nhìn thấy cũng không ngớt lời ngợi khen, ông Nguyễn Minh Khanh, Trưởng Ban khánh tiết, cũng là một trong số các vị cao niên trong làng cho biết: "Đã có lần Phòng Văn hóa của huyện định mượn cho vào tận Huế để triển lãm và cũng có người từ tận trong miền Nam ra đây hỏi mượn nhưng chúng tôi nhất quyết không cho".
|
Nguyên bản chiếc kiệu cổ làng Trung Vực Ngoài. |
Kiệu làng được làm bằng gỗ vàng tâm, chiều dài khoảng 3m, rộng hơn 1m, kiệu được thiết kế theo mẫu kiệu Bát Cống, gồm cả thảy 10 con rồng, 4 con ở phía dưới làm đòn dành cho 8 người khiêng. Kiệu được đục toàn phần, chạm trổ cầu kỳ, đâu cũng là hoa văn, sơn son màu vàng óng.
|
Kiệu làng đẹp từng góc độ. |
Ông Khanh cho hay:"Trước đây người đục bộ kiệu này xong, sau khi khánh thành kiệu thì qua đời nên ở tỉnh (tỉnh Hà Tây cũ) chỉ có một chiếc duy nhất".
Làng tôi đã mời nghệ nhân cao tay về để làm kiệu mới, theo kiểu dáng của kiệu cổ, nhằm giữ lại khuôn mẫu cũ và bảo vệ kiệu cổ không bị hư hỏng. Nhưng phải mất tới 3 tháng mới hoàn thành mà đường nét không thể như chiếc kiệu trước được.
"Kiệu làng tôi được thiết kết tinh sảo đến mức mà khi để thì dáng rồng bò, khi rước lên thì tựa dáng rồng bay", ông Khanh tâm đắc nói.
|
Mỗi một chi tiết trên kiệu đều được trạm khắc tinh sảo. |
Theo các lão làng cho biết, cứ vào ngày 12/2 Âm lịch hàng năm là làng lại tổ chức lễ hội, rồi cho kiệu ra dóng, đồng thời cứ 3 hoặc 5 năm làng lại tổ chức một lần hội lớn, đem kiệu rước sắc quanh làng để tưởng nhớ công ơn các vị thánh thần và cho nhân dân chiêm ngưỡng.
|
Tuổi thơ biết bao thế hệ làng gắn với chiếc kiệu cổ của làng. |
Hễ mỗi khi có lễ hội lớn, người dân lại tưng bừng mổ lợn, chuẩn bị lễ vật để để dâng lên tế lễ; họ nâng niu chiếc kiệu như báu vật của mình, khi mà đem kiệu ra rước ở ngoài đường, họ nhất quyết không cho ai lạ tiến gần đến kiệu.
Nghe các nam thanh, nữ tú trong làng kể về sự hào hứng mỗi khi được làm quân cờ, quân kiệu trong lễ hội mới thấy sự anh linh của ngôi đình, của chiếc kiệu cổ trong lòng người dân nơi đây.
"Mỗi lần làm quân kiệu, chúng tôi như được tiếp têm sức mạnh, mọi người hứng khởi đón rước khiệu khắp làng, cảm giác thật khó diễn tả. Kiệu cổ giờ đây như là báu vật bất khả xâm phạm của làng tôi...", anh Nguyễn Văn Thượng, nhà ở gần đình làng chia sẻ.
Sự tích về ngôi đình và những báu vật ở đây không biết phải kể bao lâu mới hết, nhưng có thể nói, ngôi đình, chiếc kiệu cổ là như những chứng nhân lịch sử, điểm tựa về tinh thần cho cả dân làng, che chở và phù hộ cho nhân dân, đồng thời biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn giữa chốn thôn quê yên bình.