Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 trên địa bàn gồm 8 mục tiêu và 10 chỉ tiêu, cụ thể như sau:
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế trong trường học
1. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về công tác y tế trường học tại các cấp quận huyện, xã phường, trường học.
2. Củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác y tế trường học.
3. Tăng cường công tác truyền thông về dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
4. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, bệnh tật học đường và sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Học sinh trường mầm non được khám sức khỏe định kỳ (Ảnh minh họa) |
5. Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục; đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học.
6. Tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và mở rộng mô hình để hướng tới mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030 tại kế hoạch 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội.
7. Đẩy mạnh việc tham gia Bảo hiểm Y tế của học sinh tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
8. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGĐ&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 33/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phấn đấu các trường hoàn thành chỉ tiêu về công tác y tế
Trong đó, thành phố phấn đấu có 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, trang, thiết bị theo quy định; 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế trường học hoặc có nhân viên y tế trình độ chuyên môn theo quy định.
Phấn đấu 100% các trường có phòng y tế riêng (Ảnh minh họa) |
Thành phố cũng phấn đấu: 100% trường học và các cơ sở giáo dục bảo đảm các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất trường, lớp, khu tập luyện thể thao, trang, thiết bị dạy và học; 100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông, tư vấn các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh theo các chủ đề khác nhau và phù hợp lứa tuổi; 100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm; 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị.
Bên cạnh đó, 100% trường học và các cơ sở giáo dục thường xuyên theo dõi sức khỏe phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng, chống tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường. 100% trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi; 100% các trường học phối hợp triển khai về tiêm chủng vắc xin trong các đợt chiến dịch trên địa bàn; 100% trường học thường xuyên khử khuẩn, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.
100% các trường học phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh và tổ chức thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung, nhắc lại các loại vắc xin phòng bệnh khi có chỉ đạo của cấp trên.
UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại trường học phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, như mô hình điểm về truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe; mô hình điểm can thiệp về dinh dưỡng, kiểm soát sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học, đặc biệt là khu vực nội thành; can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh tật, rèn luyện thể lực nâng cao sức khỏe; mô hình điểm phòng, chống, giảm thiểu tỷ lệ mắc một số bệnh, tật học đường; mô hình điểm phòng, chống tai nạn thương tích; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Tags: