Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hà Nội, đến cuối tháng 10/2017, TP đã giải tỏa được 123/213 chợ cóc, chợ tạm, hiện còn tồn tại hoạt động 90 chợ cóc, chợ tạm tiếp tục phải thực hiện giải tỏa thời gian tới.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện tại, Sở đã phê duyệt được 106/144 phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho 10.532/15.264 cơ sở kinh doanh trong chợ, đạt tỷ lệ 69%.
10 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường rà soát, kiểm tra các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các tuyến phố; Đã xử lý 232 vụ, phạt hành chính 1.337,55 triệu đồng, tổ chức vận động tuyên truyền, ký cam kết đối với 419 cửa hàng kinh doanh dọc các tuyến phố có vỉa hè với nội dung: không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.
Theo Sở Công Thương, do đa số các chợ hoạt động lâu năm (từ 10 năm trở lên), có cơ sở hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP. Chỉ có một số chợ tại khu vực nội thành, tại trung tâm thị trấn các huyện, thị xã, các chợ thực hiện theo dự án Lafsap đã được trang bị tủ kính đựng thịt, bàn inox để bày, bán thịt hoặc có khu vực bày bán thịt đảm bảo vệ sinh ATTP (về cảm quan).
Các chợ lán tạm, chợ ở khu vực nông thôn, chợ hoạt động theo phiên hoặc chỉ hoạt động vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối vẫn sử dụng bàn gỗ để bày bán thịt, thịt bày bán trực tiếp trên bàn gỗ… chưa bảo đảm vệ sinh ATTP.