Ngải cứu là loại rau có mùi thơm, vị đắng, tính ấm đi vào 3 kinh là can, tỳ, phế. Ngải cứu có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ thống, cầm máu, giảm đau... Tuy nhiên ngải cứu cũng là nguyên nhân gây ra ngộ độc, chân tay rung giật, ảo giác, viêm thần kinh...
Công dụng thần kỳ của ngải cứu
Ngải cứu còn gọi là ngải diệp, tên khoa học là Artemisia vulgaris L thuộc họ cúc. Quanh năm đều có ngải cứu nhưng tốt nhất là hái cành, lá vào tháng 6.
Ngải cứu có thể dùng tươi hoặc phơi khô, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung, dùng làm mồi cứu để kích thích huyệt trong phương pháp châm cứu. Ngải cứu có tính ôn, hơi cay, dùng điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, thổ huyết...
Ngải cứu có rất nhiều công dụng trong việc trị bệnh. Tuy nhiên với mỗi loại bệnh thì cần phải dùng ngải cứu đúng cách để đạt được hiệu quả tốt nhất.
|
Ngải cứu có rất nhiều công dụng trong việc trị bệnh. |
Trong trường hợp dùng để điều kinh thì cần phối hợp ngải cứu với các dược liệu khác như ích mẫu…Nếu dùng để cầm máu thì ngải cứu phải chế biến bằng cách sao đen mới có tác dụng. Nếu ngải cứu làm mồi trong châm cứu thì chế ngải nhung bằng cách dùng bột lá phơi khô và cuốn thành mồi ngải (mồi ngải trong đông y).
Ngoài ra, ngải cứu cũng là một trong những loại rau mà phái đẹp rất ưa chuộng. Bởi lẽ, ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn, có tinh dầu... cho nên có tác dụng chữa mụn nhọt rất hiệu quả.
Khi sử dụng ngải cứu như một loại rau hàng ngày có thể kết hợp với một số loại thực phẩm sau: Trứng gà ngải cứu: giúp lưu thông máu lên não, trị bệnh đau đầu. Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh...). Gà tần ngải cứu: Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai. Cháo ngải cứu: có thể chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp.
Ngải cứu là loại rau rất nguy hiểm nếu dùng không đúng cách
Ngải cứu là loại rau có rất nhiều công dụng hữu ích, nhưng nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây ra ngộ độc, chân tay rung giật, ảo giác, viêm thần kinh... Ăn ngải cứu còn gây biến chứng với người bị viêm gan,...
Ngải cứu không gây kích thích tử cung, nên rất có tác dụng với chị em phụ nữ khi mang thai. Các chị em bị động thai hay sảy thai liên tiếp sử dụng ngải cứu sẽ có tác dụng xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng.
Tuy nhiên, đối với các bà bầu trong ba tháng đầu thì không nên sử dụng quá nhiều ngải cứu. Theo các nghiên cứu mới đây cho thấy nếu sử dụng quá nhiều ngải cứu trong ba tháng đầu của thai kì sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung dễ dẫn đến sảy thai. Chính vì thế, bà bầu nên chú ý khi ăn ngải cứu để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Theo các nhà nghiên cứu dùng ngải cứu quá liều là làm cho thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay rung giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,…
Trong ngải cứu có chứa tinh dầu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria).
Ngoài ra, trong một số các trường hợp như những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.