Cty CP Tập đoàn Hoa Sen được tỉnh Ninh Thuận ưu ái với hàng loạt các chính sách khi thực hiện dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná.
Có thể bạn chưa biết
Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận được triển khai trên địa bàn xã Phước Diêm, xã Cà Ná và 1 phần xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) là dự án thừa kế dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion đã từng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trước đó, thời điểm tháng 9/2008, dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion do Vinashin và Lion Group (Malaysia) làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu 9,8 tỷ USD là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam (thời điểm đó).
Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước. Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025. |
Khoác trên mình chiếc áo hi vọng của cả nền kinh tế Việt Nam, siêu dự án đã đặt mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển oxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội, đề ra kế hoạch giai đoạn 2008-2011 sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Nhưng, các ông chủ tài chính cũng không thể tránh khỏi guồng quay của tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, điều này đã khiến dự án chậm triển khai và Lion Group đã tuyên bố rút khỏi Dự án.
Kiên quyết hơn, đến đầu năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.
Sau khi Lion Group rút đi, dự án khu liên hợp thép được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương để chuyển đổi dự án thành Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 1.000 ha vào tháng 5/2011.
Cho đến cuối năm 2015, một Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) do ông Lê Phước Vũ đại diện cho HSG và ông Lưu Xuân Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã được ký kết.
Những ưu đãi khủng dành cho Tập đoàn Hoa Sen
1. Tập đoàn Hoa Sen sẽ được cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất để đầu tư siêu dự án. Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết giao đất sạch, đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết. Thời hạn thực hiện dự án là 69 năm, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
|
Siêu dự án thép này có giá gần 10 tỷ USD. |
2. Hai bên sẽ tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Bộ GTVT để cho chủ trương xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất và vận hành tuyến đường sắt này để phục vụ cho dự án của Tập đoàn Hoa Sen.
3. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết thực hiện các hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của HSG về việc cung cấp đủ điện cho dự án.
4. UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho HSG đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chấp thuận tách hai kênh nước khác biệt nhau để đảm bảo cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào khu công nghiệp Cà Ná.
|
Một phần diện tích đất GPMB ở Ninh Thuận là đất nông nghiệp và diêm nghiệp. Ảnh Ngọc Trinh/Zing.vn |
5. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp, (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.
6. Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên (kể cả người Việt Nam và nước ngoài) làm việc ở dự án; được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…; được miễn thuế đất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước…
Tôn Hoa Sen lấy tiền đâu đầu tư siêu dự án
Nhiều người không bất ngờ trước việc Tập đoàn Hoa Sen nhảy vào siêu dự án thép này, nhưng điều mà dư luận quan ngại đó là, Tôn Hoa Sen lấy đâu ra tiền để đầu tư dự án.
Một trong nhiều nguyên cớ để Tập đoàn này có thể "mạnh tay" như vậy đó là, lĩnh vực bất động sản với các dự án tại Bình Định và Yên Bái.
Cụ thể, Hoa Sen sẽ xây dựng toà nhà phức hợp tại Bình Định với vốn đầu tư 250 triệu USD, và thực hiện một dự án du lịch khác tại đây với vốn đầu tư 18,9 triệu USD, Hoa Sen góp 45% vốn trong khi Hoa Sen Tourist và ông Lê Phước Vũ lần lượt đóng góp 45% và 10% vốn còn lại.
|
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư phân kỳ 1, giai đoạn 1 dự án thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận. Đồ họa Nguyên Thảo. |
“Việc công bố đồng thời hàng loạt các kế hoạch theo những hướng kinh doanh khác nhau gần đây với quy mô vốn lớn, có thể nhiều người sẽ tự hỏi liệu Hoa Sen có thực sự có thể thực hiện toàn bộ các kế hoạch đề ra hay không. Với nguồn vốn chính dự kiến là vốn vay, lưu ý rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty là 1,3 lần, công ty không thể tăng vay nợ đáng kể”, báo cáo của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho hay.
HSC cũng cho biết, qua trao đổi với Hoa Sen, tập đoàn cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.
Để minh chứng rõ ràng hơn, thì tại tài liệu mới công bố của Hoa Sen, Tập đoàn này cho biết, trong phân kỳ 1, giai đoạn 1 của dự án, cơ cấu nguồn vốn đầu tư sẽ bao gồm vốn tự có, vốn vay trung hạn và vốn vay ngắn hạn trong đó chủ yếu là vốn vay trung hạn.
Quy mô đầu tư của phân kỳ này sử dụng diện tích đấy 240 ha, công suất thiết kế 1,5 triệu tấn thành phẩm/năm với tổng mức đầu tư 460 triệu USD, tương đương 10.258 tỷ đồng trong đó vốn vay trung hạn lên đến hơn 8.206 tỷ đồng, chiếm 80%.