Sau khi một số người dân Long Hưng vì bất bình với dự án “chui”, bị Donacoop xâm hại mồ mả, bị một số kẻ lạ mặt kích động dẫn đến vụ gây rối tại trụ sở xã chấn động dư luận… chỉ trong ba tháng đầu năm 2010, Chính phủ liên tiếp có ba văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới Đồng Nai. Tuy nhiên, một lần nữa những chỉ đạo này lại bị Đồng Nai và Donacoop “vận dụng sai”.
|
Nhiều người dân Long Hưng nhiều năm nay khiếu nại khắp nơi yêu cầu Trung ương vào cuộc phân xử đúng, sai. |
“Đại dự án” hổng pháp lý
Lật lại hồ sơ dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” xóa trắng cả một xã thuộc tỉnh Đồng Nai, trao đổi với PLVN, các chuyên gia pháp lý cho biết ngay từ giai đoạn ban đầu, dự án này đã thể hiện những “lỗ hổng” pháp lý nghiêm trọng vì không xác định được là dự án thực hiện theo hình thức nào, quy định của văn bản pháp luật nào.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Đại biểu Quốc hội khóa 13: Trong dự án này, thẩm quyền phê duyệt đã sai thì sai từ đó kéo đi. Phê duyệt sai thẩm quyền, không nhìn thấy tổng thể kéo theo một loạt hệ lụy, trong đó dân chúng khiếu kiện hơn 10 năm nay. Người phê duyệt sai phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi đề nghị cấp trên, người phê duyệt phải vào cuộc, là Chính phủ phải vào cuộc để kết luận chuyện này cho rõ ràng. Trung ương và Chính phủ cần có chế tài mạnh, đủ răn đe để không ai dám sai nữa, mà là sai lầm cố ý. Rõ ràng phê duyệt một dự án có phải nhanh đâu? Bao nhiêu cơ quan tham mưu, duyệt lên duyệt xuống. Nên những người phê duyệt quy hoạch sai gây ra hậu quả phải có chế tài đủ mạnh để chấm dứt, triệt tiêu tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, chứ không để dây dưa mãi chỉ có dân thiệt thòi. |
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1964, nguyên đại biểu HĐND xã Long Hưng) và một số cựu cán bộ xã khác: “Ngay từ đầu, tiền thân của Donacoop là Hợp tác xã Long Hưng được thành lập khoảng năm 2004. Với số vốn ghi trên giấy tờ ban đầu là hơn 400 triệu đồng, phương án của hợp tác xã giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2004 trên lý thuyết là chăn nuôi, trồng trọt… Nhưng thực tế họ đứng ra mua chuộc các cán bộ ở đây, xúi dân bán đất nông nghiệp giá rẻ. Nhiều cán bộ xã khi đó trở thành “cò đất” cho Donacoop.
Những năm 2003 – 2004, sốt đất, dân xã muốn bán đất cho người nơi khác, đem lên UBND xã ký nếu người mua không phải là Bùi Thanh Trúc thì UBND xã không ký. Thậm chí, mang xuống Phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này cũng không ký chuyển nhượng. Các cán bộ tuyên bố thẳng thừng “chỉ Bùi Thanh Trúc mua thì mới ký thôi”.
Đến năm 2006 thì họ gom được kha khá đất. Ban đầu họ xin chủ trương của UBND huyện Long Thành (thời điểm đó Long Hưng chưa nhập về Biên Hòa – NV) làm dự án khu du lịch sinh thái, nhà vườn, nghỉ dưỡng với diện tích đầu tiên là vài chục ha nằm ở cánh đồng Bằng Lăng. Sau đó không hiểu họ nghĩ sao mà nảy ra dự án “xóa trắng” xã, nhiều lần đổi tên, nay được gọi với cái tên mỹ miều là “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”.
So sánh với biên bản làm việc với Donacoop của Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/7/2006, nhận thấy những phản ánh trên là có cơ sở. Biên bản này ghi rõ: “HTX Long Hưng là đơn vị thành viên của Donacoop đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm để lập thủ tục đầu tư khu du lịch tại xã Long Hưng với diện tích khoảng 50 ha. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, HTX nhận thấy Long Hưng là nơi có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, có cảnh quan sông nước đẹp, nguồn tài nguyên tương đối dồi dào, thuộc khu vực đang phát triển các dự án sinh thái và dân cư, do đó, HTX đề nghị giao lại 50 ha đất đã được tỉnh giới thiệu cho Donacoop để lập thủ tục liên doanh đầu tư khu du lịch sinh thái và khu dân cư.
Ngày 10/5/2006, Donacoop có văn bản xin được lập quy hoạch chi tiết và đầu tư dự án khu dân cư và khu du lịch sinh thái với diện tích 1.124,23 ha (bao gồm dự án khu du lịch sinh thái 50 ha của HTX Long Hưng)… Ngoài ra HTX Long Hưng đang quản lý và canh tác trên 200 ha”.
Nói cách khác, để hình thành dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” như hiện nay, có ba loại đất: Thứ nhất, 50 ha “UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm”. Thứ hai, hơn 200 ha Donacoop đã “thuận mua vừa bán” với dân Long Hưng ngay từ những năm 2004. Thứ ba, khoảng 900 ha sau khi tự lập quy hoạch, lập dự án trái luật, Đồng Nai thu hồi của dân giao Donacoop.
Và phải đến năm 2010, khi sự việc được phát hiện, văn bản của Chính phủ mới chỉ ra dự án này phải tuân theo quy định tại Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Đây là dạng khu đô thị mới và phải tuân thủ các quy định trong Nghị định nêu trên.
Liên tiếp trong hai văn bản phát đi ngày 12/2 và ngày 22/3/2010 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, đều nêu rõ: “UBND tỉnh Đồng Nai cần rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật” và “UBND tỉnh Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm việc xem xét cấp phép đầu tư các dự án trên để rút kinh nghiệm việc hiểu, vận dụng và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh”.
|
Một góc khu tạm cư Long Hưng, nơi một số người dân mất đất lay lắt sống. |
Luật pháp tiếp tục bị “vận dụng sai”
Thế nhưng một lần nữa những chỉ đạo này của Chính phủ không được Đồng Nai thực hiện. Chính phủ chỉ đạo Đồng Nai dự án này phải thực hiện theo quy định trong Nghị định 02/2006/NĐ-CP, nhưng từ đó tới nay tám năm đã qua, do địa phương không thực hiện nên chỉ đạo vẫn nằm trên giấy và luật pháp tiếp tục bị địa phương vận dụng sai nghiêm trọng.
Thứ nhất, theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP, điều kiện trước tiên để lập khu đô thị mới là phải tuân thủ theo quy hoạch. Khoản 3 Điều 6 Nghị định này nêu rõ: “Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở hình thành, phát triển khu đô thị mới”. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch Đồng Nai do Thủ tướng ký ban hành ngày 4/6/2008, không có tên khu đô thị nào ở Long Hưng.
Thứ hai, theo khoản 1 Điều 15 của Nghị định, “dự án khu đô thị mới thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên do UBND cấp tỉnh thẩm định và trình Thủ tướng xem xét, cho phép đầu tư”. Cũng ở khoản 4 Điều 15 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư dự án khu đô thị mới là cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh dự án”.
So sánh với chỉ đạo của Chính phủ trong văn bản ngày 12/2/2010 đề nghị UBND Đồng Nai và Donacoop “bổ sung hoàn thiện thủ tục với các dự án theo quy định tại Nghị định số 02/2006/NĐ-CP”, nhận thấy sau khi có chỉ đạo trên, Đồng Nai và Donacoop không có động thái nào sửa sai. Những quyết định phương án bồi thường từ trước đó vẫn giữ nguyên, Giấy chứng nhận đầu tư vẫn là Giấy được cấp từ năm 2008, Quyết định duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án thậm chí không nêu tên Nghị định 02/2006/NĐ-CP trong phần căn cứ pháp lý…
Nói về tính nghiêm trọng của dự án này, một chuyên gia pháp lý nhận xét: “Dự án này quy mô rất lớn, liên quan đến quy hoạch của Nhà nước, đến cuộc sống của hàng vạn dân, đến an ninh lương thực… Nếu sự việc bị phát hiện chậm vài tháng, dự án này thậm chí muốn thông qua, phải xin ý kiến Quốc hội”. Theo Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010, đây là dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô lớn hơn 500 ha, thuộc danh mục “dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”.
Ông Nguyễn Văn Nhuần, người đại diện cho hàng trăm hộ dân Long Hưng phản đối dự án này cho hay: “Tai hại ở chỗ không chỉ địa phương, mà một số cơ quan Trung ương cũng hiểu sai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng trong các văn bản trên. Tui nộp đơn khiếu nại gửi chỗ này chỗ kia, ra tới cơ quan trung ương, có nơi cán bộ nhận đơn nói rằng: “Ủa chủ trương của Thủ tướng đồng ý cho Đồng Nai và Donacoop làm rồi mà anh đi thưa cái gì”. Tui trả lời rằng: “Thứ nhất các anh phải đọc kỹ văn bản chỉ đạo, phải thấy rõ Chính phủ yêu cầu Đồng Nai và Donacoop phải thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định 02/2006; phải thực hiện đúng mục tiêu đầu tư; phải thực hiện nghiêm túc các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội địa phương… Thứ hai, tui khiếu nại, tố cáo UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định cho lập dự án là trái luật, vi phạm thẩm quyền. Tui đi tố cáo ông Chủ tịch tỉnh thì đơn vị có thẩm quyền giải quyết là Trung ương, là Thủ tướng... trả lời cho tui”.
“Dân Long Hưng không phản đối nếu dự án làm đúng luật. Nhưng dự án sai nhiều quá và Đồng Nai cùng Donacoop đã làm sai thì phải sửa sai. Dự án tới nay vẫn nhập nhèm, trên thực tế không ra khu đô thị mới, không hoàn toàn là dự án thương mại. Lấy đất cho Donacoop phân lô bán nền nhưng chính quyền địa phương thu hồi với giá từ 10 năm trước, dân không nghe thì bị dùng vũ lực cưỡng chế, ai chịu nổi?”.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Trước khi Chính phủ ra các chỉ đạo nêu trên, ngày 19/1/2010, Bộ Xây dựng đã có văn bản khẳng định “dự án khu đô thị mới có quy mô sử dụng 200 ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”. Bộ Xây dựng lưu ý “khu đô thị quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên là dạng hoạt động kinh doanh đặc thù và có nhiều điểm khác như sử dụng diện tích đất lớn, liên quan đến nơi sinh sống hàng vạn người dân và các lĩnh vực khác như giáo dục, thể thao, y tế, văn hóa… Ngoài ra việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp về kiến trúc, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, các vấn đề kết nối hạ tầng khu vực…”. |