Có nhiều nhân vật tên tuổi trong các ngân hàng “dính chàm” trong năm 2015 nhưng Vũ Quốc Hảo, Phạm Công Danh, Phạm Thị Bích Lương là những nhân vật dính án tham nhũng nghiêm trọng và gây xôn xao nhất trong năm qua.
Đại án tham nhũng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội
Hiện tại, TAND Hà Nội đang trong quá trình đưa vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội ra xét xử. Phiên tòa được ấn định kéo dài trong 10 ngày (từ 21/12 - 31/12).
Đây là vụ “đại án” làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank, 18 bị cáo bị truy tố 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định) – cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội được xác định là đầu vụ, hàng loạt cán bộ có chức sắc của Ngân hàng Agribank cũng vướng vào lao lý trong vụ án này.
Nội dung vụ án cho biết, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với 4 người quốc tịch nước ngoài giữ các vai trò, chức trách quan trọng tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu.
Các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỷ đồng.
Phạm Công Danh tham nhũng nghìn tỷ tại Ngân hàng Xây dựng
Đây là vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng. Ngày 20/11/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận đã khởi tố 50 bị can về ba tội danh: Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã có hành vi tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng |
Năm 2013, Phạm Công Danh cùng đồng phạm lấy danh nghĩa trả tiền thuê mặt bằng làm trụ sở Ngân hàng VNCB tại phố Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh (TP Hồ Chí Minh) đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hai Công ty Trung Dung và Hương Việt là hai công ty giúp cho Phạm Công Danh lấy pháp nhân. Sau khi chuyển tiền cho hai công ty này, Danh đã rút ra sử dụng cá nhân.
Ông Hoàng Việt Thắng thực hiện không đúng quy trình, quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB, giúp sức cho Phạm Công Danh rút gần 1.300 tỷ đồng. Còn ông Lê Khắc Thái đã thực hiện không đúng quy trình cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB, giúp sức cho Phạm Công Danh rút 950 tỷ đồng...
Tuyên án "siêu lừa" Huyền Như tham nhũng tại Vietinbank
Ngày 7/1/2015, HĐXX phúc thẩm tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan nhà nước.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007, Như với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã vay trên 200 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành.
Năm 2010, vì làm ăn thua lỗ, lợi dụng quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM huy động tiền.
Từ tháng 3/010 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị lừa đảo hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi.
Tổng giám đốc ALC mang hai án tử về tội tham nhũng
TAND TP HCM ngày 10/12 tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (cựu Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài vụ án này, cuối tháng trước, Hảo bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thất thoát số tiền hơn 450 tỷ đồng.
Liên quan đến những sai phạm tại ALC II, năm ngoái, ông Hảo cũng bị TAND TP HCM tuyên phạt án tử hình với vai trò chủ mưu trong việc nâng khống thiết bị lặn tàu Tino 2 từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng để giải ngân trái phép, chiếm đoạt tiền của ALC II.
Cán bộ ngân hàng giúp đại gia lừa 800 tỷ
Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam có vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT còn có 3 cổ đông khác là bà Trần Thị Mỹ, Lâm Ngọc Hân (vợ, con gái ông Khuân). Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, công ty này kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng.
Để kéo dài hoạt động cũng như có tiền sử dụng với mục đích cá nhân, từ năm 2008 đến năm 2010, ông Khuân chỉ đạo con gái và Mẫn lập 19 bản báo cáo tài chính khống.
Theo đó, 5 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty Phương Nam, tạo điều kiện cho ông Khuân chiếm đoạt gần 800 tỷ đồng (Mẫn giúp ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt 471 tỷ đồng; Phượng giúp gần 259 tỷ đồng). Khi mất khả năng chi trả, cuối năm 2011, ông Khuân cùng vợ con bỏ trốn sang Mỹ, hiện đang bị truy nã quốc tế.
Liên quan đến vụ án, chiều 3/8, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Lâm Minh Mẫn (nguyên Kế toán trưởng Công ty thủy sản Phương Nam) 14 năm tù, Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên phó giám đốc) 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
25 người còn lại nguyên là cán bộ một số ngân hàng cũng phải nhận án phạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Thắng - nguyên giám đốc VDB Sóc Trăng nhận 7 năm tù; Đỗ Hùng Sở - nguyên Giám đốc LPB Hậu Giang nhận 5 năm tù.