Những nội dung chính: Bộ trưởng GTVT trả lời về BOT Cai Lậy; Người lớn mất kiểm soát, con trẻ thành “cá nằm trên thớt”...
- Tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh: Bộ trưởng GTVT trả lời về BOT Cai Lậy
Trong lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Cùng lãnh đạo bộ, các bộ chịu trách nhiệm về các dự án BOT đã triển khai.
Chia sẻ về hoàn cảnh dự án BOT Cai Lậy, Bộ trưởng thẳng thắn cho biết: Trước vấn đề ùn tắc ở tuyến quốc lộ 1 qua Cai Lậy, bộ và địa phương đã nghiên cứu và phê duyệt dự án theo hình thức BOT.
Tuy nhiên nếu chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh thì thời gian 30 năm hoàn vốn là quá lâu và ngân hàng không rót vốn. Bộ trưởng cũng cho biết, ngay khi Bộ GTVT nhận ra cách làm này, sẽ khiến cho tuyến quốc lộ độc đạo dày đặc trạm thu phí, ảnh hưởng đến chi phí vận tải, áp lực tới nền kinh tế đã quyết định từ tháng 5/2016.
Không phê duyệt BOT trên đường độc đạo, do đó những chính sách cũ chỉ được triển khai trong những dự án BOT cũ như là BOT Cai Lậy. Cũng như một số dự án sắp hoàn thành thu phí, vốn đặt trong bối cảnh cũ và yêu cầu cũ, khẳng định không bao giờ có chuyện tư lợi trong quyết định dự án và sẽ xử lí nghiêm nếu cơ quan chức năng phát hiện ra.
Bộ trưởng cũng mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ xã hội và đặc biệt là những người lái xe về những khó khăn trong điều chỉnh chính sách về BOT và hạn chế trong 1 số dự án.
- Tờ Diễn đàn doanh nghiệp: Sẽ siết chặt cho vay các dự án BOT, BT
Trước yêu cầu của ngân hàng Nhà nước về kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT, nhiều ngân hàng đã rà soát lại danh mục các dự án BOT cho vay. Ngừng triển khai đối với một số dự án có vấn đề, không hiệu quả, không có khả năng sinh lời, đồng thời tăng cường giám sát các khoản vay hiện tại.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần thận trọng khi kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng với dự án BOT, tránh tạo cú sốc với các dự án đang triển khai. Cùng với đó cần có giải pháp để đa dạng hoá nguồn vốn, tránh trông chờ vào ngân hàng.
- Tờ Đầu tư: Bùng nổ đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần
Bên cạnh đầu tư trực tiếp thì hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng đang bùng nổ và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Việc thoái vốn tại các Doanh nghiệp lớn đang thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore qua hình thức góp vốn và mua cổ phẩn.
Trong 11 tháng đầu năm nay, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, mà nguyên nhân là do khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh. Niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân.
- Tờ Nông thôn ngày nay: Người lớn mất kiểm soát, con trẻ thành “cá nằm trên thớt”
Nhiều vụ bạo hành trẻ em lại đến từ sự hung bạo của người bố, sự vô cảm của người mẹ và cả những người thân.
Theo một thống kê thì số ca trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong 5 năm gần đây, tăng cao gấp 2 đến 3 lần so với giai đoạn trước.
Chuyên gia cho biết: Bạo hành do người thân khiến cho tình trạng sang trấn tâm lý của trẻ, lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình.
- Tờ Giáo dục và thời đại: Nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học - bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm
Nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng, đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Theo các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tại một số tỉnh phía Bắc, phần lớn các giáo viên tiểu học đều có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Họ cũng cho rằng nếu không nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên tiểu học, thì những quy định trong luật sẽ bị lạc hậu. Không chỉ tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, việc nâng chuẩn còn tạo đột phá trong năng lực sư phạm, giúp giáo viên bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0.