Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế đối với cấp xã sau khi sáp nhập, để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức.
 |
Giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản bổ máy. (Ảnh minh hoạ) |
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sửa đổi, cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Còn công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Liên quan đến quy định chuyển tiếp, dự thảo do Bộ Nội vụ trình nêu rõ kể từ ngày Luật này có hiệu lực, CBCC cấp xã theo quy định của Luật CBCC năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức năm 2019) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương.
Họ cũng sẽ được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn năm năm, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn năm năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực.
Trong thời hạn năm năm này, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng CBCC cấp xã là 212.606 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.
Số lượng CBCC cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỉ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.