Tháng 10/2015, CIENCO4 đã đầu tư và đưa dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội trị giá 35 tỷ đồng.
|
Dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội hiện đại nhất Việt Nam đang được CIENCO4 áp dụng tại tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh. |
Bằng việc đầu tư dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội tiên tiến nhất thế giới, lên đến 35 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) đặt mục tiêu cơ bản khắc phục xong các điểm hằn lún tại dự án mở rộng QL1 Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh vào cuối tháng 4.
Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí
Thời gian qua, tại một số công trình nâng cấp, mở rộng QL1 xuất hiện tình trạnghằn lún vệt bánh xe. Trong đó, dự án tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh do CIENCO4 làm nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng gặp phải hiện tượng này.
Với trách nhiệm bảo hành công trình và thương hiệu của nhà thầu uy tín nhất Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng giao thông, đầu năm 2014, CIENCO4 phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành, các trung tâm nghiên cứu về bê tông nhựa truy tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp trị dứt điểm tình trạng hằn lún.
Sau khi bắt được “bệnh”, tháng 10/2015, CIENCO4 đã đầu tư và đưa dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội theo công nghệ tiên tiến nhất của CHLB Đức (trị giá 35 tỷ đồng) vào xử lý tại tuyến tránh Vinh. Chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 10 - 12/2015), toàn bộ các điểm mặt đường bị hằn lún của tuyến tránh Vinh với diện tích khoảng 40.000 m2 đã được xử lý dứt điểm bằng dây chuyền cào bóc, tái chế bê tông nhựa nguội hiện đại nhất Việt Nam.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, qua thời gian khai thác và diễn biến trên hiện trường đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt của dây chuyền nói trên trong việc xử lý hằn lún. “Cường độ mặt đường được nâng cao từ 140-160Mpa lên 260-300Mpa.
Đặc biệt, công nghệ này tận dụng được toàn bộ phần vật liệu cũ nên tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, thời gian thi công được rút ngắn, đảm bảo phương tiện lưu thông ngay trong ngày trên những đoạn vừa sửa chữa”, ông Nghĩa nói.
Công nghệ “trị” hằn lún hiện đại nhất Việt Nam
Chiều 28/2, trực tiếp có mặt trên tuyến Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông chứng kiến quy trình hoạt động và những tính năng ưu việt của dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội. Theo quan sát, công đoạn đầu tiên, đơn vị thi công tiến hành phủ một lớp xi măng lên những đoạn mặt đường hằn lún bằng xe rải định lượng với tỷ lệ được lập trình sẵn từ kết quả khảo sát, thí nghiệm.
"Sau khi CIENCO4 đưa dây chuyền này vào thi công tại tuyến tránh Vinh, tổ công tác của Cục và Vụ Khoa học công nghệ đã nhiều lần xuống kiểm tra hiện trường. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá cường độ mặt đường ở những đoạn được xử lý bằng công nghệ cào bóc tái chế được tăng lên rất lớn, ngay cả những điểm xung yếu nhất như: Ngã tư, đèn tín hiệu, đầu cầu... cũng đảm bảo được sự ổn định”. Ông Triệu Khắc Dũng - Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT. |
Sau đó, máy cào bóc tái chế nguội được kết nối trực tiếp với xe chở nước và nhựa đường nóng ở nhiệt độ 1700C được đưa vào thi công. Lúc này, hệ thống răng cào của máy cào bóc tiến hành đào xới mặt đường hư hỏng từ 12-16 cm, phần cấp phối này được trộn trực tiếp với chất gia cố gồm xi măng, nước và nhựa đường. Ngay sau đó, hỗn hợp tái sinh được máy cào bóc hoàn trả xuống mặt đường và được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống điện tử.
Kế đến, máy lu chân cừu được đưa vào để tạo độ chặt cho hỗn hợp, rồi máy gạt được huy động để tiến hành tạo phẳng bề mặt, riêng một số điểm còn lồi lõm sẽ được công nhân bù phụ bằng phương pháp thủ công.
Tiếp theo, máy lu rung bánh trơn được đưa vào lu từ 12-16 lượt/điểm để tạo độ chặt cho hỗn hợp tái sinh, những điểm xuất hiện tình trạng khô sẽ được tưới nước để kéo kín bề mặt. Cuối cùng, máy lu rung bánh lốp và lu rung bánh trơn chạy song song để lu chặt hoàn thiện mặt đường.
Theo ghi nhận chỉ trong thời gian chưa đầy 3 giờ đồng hồ, 200 m đường bị hằn lún (diện tích khoảng 1.000 m2) đoạn qua thị trấn Nghèn đã được xử lý điểm, mặt đường mịn, êm thuận, các xe lưu thông được ngay qua những đoạn vừa sửa chữa.
Theo ông Ngô Trọng Nghĩa, đối với những đoạn trên tuyến đã được xử lý bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội, sau một thời gian đưa vào khai thác mặt đường tạo được sự ổn định, các đơn vị thi công sẽ thảm thêm một lớp bê tông nhựa nóng, thành phần gồm đá Hồng Lĩnh kết hợp nhựa đường thường sử dụng thêm phụ gia SBS với chất lượng tương đương với nhựa polymer nhưng giá thành lại rẻ hơn.
“Đến nay, các đoạn được xử lý bằng công nghệ cào bóc tái chế trên tuyến tránh Vinh đã được thi thông thêm lớp bê tông nhựa, qua hơn 4 tháng đưa vào khai thác không có hiện tượng hằn lún xuất hiện trở lại. Chúng tôi đang chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công để đến cuối tháng 4, toàn bộ những điểm hằn lún trên tuyến Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh sẽ cơ bản được khắc phục bằng dây chuyền cào bóc tái chế nguội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.