Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc, giai đoạn 2010-2012 có 852 triệu người tại các nước đang phát triển (chiếm 15% tổng dân số thế giới) vẫn còn trong tình trạng thiếu ăn, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.
Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới năm nay (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 - 23/10/2017 với chủ đề “Bảo đảm an ninh lương thực và Phát triển nông thôn: nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững”.
An ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và suy dinh dưỡng là vấn đề lớn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc, giai đoạn 2010-2012 có 852 triệu người tại các nước đang phát triển (chiếm 15% tổng dân số thế giới) vẫn còn trong tình trạng thiếu ăn, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.
Số liệu thống kê của các cơ quan Liên hiệp quốc cho thấy: năm 2016 trên toàn cầu có khoảng 159 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thiếu chiều cao, và 50 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thiếu cân. Trẻ em suy dinh dưỡng phần lớn là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó Châu Á và Châu Phi là 2 châu lục có số trẻ em bị suy dinh dưỡng nhiều nhất.
Thiếu vi chất dinh dưỡng tiếp tục là mối đe dọa toàn cầu, ước tính năm 2016 có khoảng 2 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như: Vitamin A, Sắt, I-ốt, Kẽm…,
|
Đảm bảo an ninh lương thực là nền tảng giảm suy dinh dưỡng bền vững. Ảnh: minh họa |
Ở Việt Nam, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT thì năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại;…Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng. Thiên tai đã gây ra những thiệt hại rất lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sức khỏe của người dân.
Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất rất nặng nề về người và của, nhiều vùng, nhiều người đã lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở những vùng như miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, vùng Tây nguyên... là những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà.
Mặc dù hiện nay, sản xuất lương thực thực phẩm ở nước ta đã có bước phát triển nhưng ở một số vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vấn đề thực phẩm chưa được đảm bảo.
Khi mà tình trạng an ninh lương thực không được bảo đảm thì ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khẩu phần ăn của trẻ, cũng như giảm sút chất lượng của các dịch vụ chăm sóc về dinh dưỡng, y tế.
Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24.3%, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13.8%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo cao hơn so với khu vực thành thị.
Để việc đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình góp phần vào giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều ngành, đặc biệt là giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp.